Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phát hiện siêu hành tinh gấp 1.320 lần Trái đất nhưng… hỏng nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Một siêu hành tinh mới vừa được xác định quanh ngôi sao 7,4 tỉ năm tuổi Kepler-174, là đại diện cho nhóm hành tinh thất bại.
Theo Sci-News, siêu hành tinh nói trên đã không may quay quanh ngôi sao mẹ với quỹ đạo lệch tâm quá lớn, dẫn đến việc lúc thì quá lạnh (-93 độ C), lúc lại quá nóng (627 độ C), giữ khoảng cách với sao mẹ từ 0,6 đến 3,9 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU bằng với khoảng cách Mặt trời – Trái đất).
Siêu hành tinh vừa được phát hiện
Siêu hành tinh vừa được phát hiện 
Siêu hành tinh này có khối lượng gấp 4,15 lần sao Mộc, tương đương 1.320 lần Trái đất của chúng ta. Tuy nhiên chính quỹ đạo lệch tâm đó đã khiến nó bị hư hỏng hoàn toàn. Có thể nó đã bắt đầu rơi vào quỹ đạo kỳ lạ ngay từ giai đoạn bồi tụ khí hàng tỉ năm về trước, để rồi không bao giờ phát triển được thành một hành tinh đúng nghĩa.
Công trình dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Paul Dalba từ Đại học California (Mỹ), thu thập dữ liệu từ Máy đo phổ Echelle độ phân giải cao (HIRES) trên kính thiên văn Keck I tại Đài quan sát WM Keck, trong suốt 9,6 năm. Thế giới đặc biệt này cách chúng ta 2.691 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Thiên Nga.
Quỹ đạo này không cho phép sự tuần hoàn thủy triều cũng như hàng loạt chu trình khác để nó trở thành một "sao Mộc nóng" đúng nghĩa, tức dạng hành tinh khí khổng lồ quay gần sao mẹ, cũng không cho phép nó trở thành một "hành tinh mẹ" giúp các hành tinh khác trong hệ sao có thể phát triển tốt.
Trong Hệ Mặt trời của chúng ta, sao Mộc – hành tinh hình thành đầu tiên, xuất hiện ở rất xa ngày nay – được coi là một "hành tinh mẹ" mà sự di chuyển về gần Mặt trời của nó hay tương tác hấp dẫn của nó đóng vai trò lớn trong sự hình thành và ổn định của các hành tinh nhỏ hơn sau đó, bao gồm Trái đất.
Siêu hành tinh mới được coi là một "phòng thí nghiệm" hoàn hảo của các nhà khoa học để tìm hiểu về một thế giới cực đoan và hình thành "thất bại". Nghiên cứu vừa công bố trên Astronomical Journal.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)