“Siêu trái đất” Gliese 486 b có kích thước gấp 2,8 lần trái đất và cách xa 26,3 năm ánh sáng, là ứng viên sáng giá cho nghiên cứu về sự sống ngoài hành tinh.
Mô phỏng bề mặt siêu trái đất Gliese 486 b. REUTERS
Hãng Reuters ngày 5.3 đưa tin giới khoa học vừa phát hiện một hành tinh xoay quanh ngôi sao chủ khá gần hệ mặt trời, có thể đem lại cơ hội nghiên cứu về sự sống ngoài hành tinh.
Hành tinh có tên gọi là Gliese 486 b được xếp loại “siêu trái đất” có điều kiện không thân thiện khi nóng và khô như sao Kim, với khả năng có các dòng sông dung nham trên bề mặt.
Tuy nhiên, vị trí gần trái đất và đặc điểm riêng giúp nó có thể phù hợp để nghiên cứu về khí quyển, nhờ các viễn vọng kính không gian cũng như trên trái đất, khởi đầu với viễn vọng kính James Webb mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến đưa lên quỹ đạo vào tháng 10.
Những viễn vọng kính này có thể đem lại dữ liệu giúp giải mã bầu khí quyển của các hành tinh ngoài hệ mặt trời, bao gồm những hành tinh có thể có sự sống.
Các nhà khoa học phát hiện hơn 4.300 hành tinh ngoài hệ mặt trời, một số là hành tinh khí lớn như sao Mộc, trong khi một số nhỏ hơn và có đất đá như trái đất với khả năng có sự sống. Tuy nhiên, các thiết bị hiện chưa giúp nhân loại khám phá nhiều về bầu khí quyển của chúng.
“Các hành tinh ngoài hệ mặt trời phải có đặc tính vật lý và quỹ đạo phù hợp mới có thể nghiên cứu về khí quyển”, theo ông Trifon Trifonov tại Viện Thiên văn học Max Planck (Đức) dẫn đầu nghiên cứu.
“Siêu trái đất” là những hành tinh ngoài hệ mặt trời to hơn trái đất nhưng nhỏ hơn sao Thiên Vương và Hải Vương.
Gliese 486 b có kích thước gấp 2,8 lần trái đất với khoảng cách khoảng 26,3 năm ánh sáng, với tốc độ ánh sáng là khoảng 9.500 tỉ km/năm. Nó xoay quanh một ngôi sao chủ nhỏ, lạnh và ít sáng hơn mặt trời, với kích thước bằng khoảng 1/3 mặt trời.
Hành tình này xoay khá gần ngôi sao chủ nên bị chiếu xạ nặng. Cũng như trái đất, nó có đất đá và dường như có lõi kim loại, với nhiệt độ bề mặt khoảng 4300C, với trọng lực có thể mạnh hơn 70% so với trái đất.
Tuy nhiên, Gliese 486 b có thể là nơi lý tưởng để nghiên cứu về khí quyển của các hành tinh tương tự trái đất, nhờ viễn vọng kính James Webb cũng như trạm thiên văn EXT đang được xây dựng tại Chile.
Thành phần hóa học của bầu khí quyển có thể ẩn chứa nhiều thông tin về hành tinh và khả năng cư trú. Các nhà khoa học thường tìm kiếm dấu hiệu sự sống qua các thành phần ô xy, CO2 và mê tan.
Các nhà thiên văn học cho biết họ sẽ dùng mọi cách đã biết để nghiên cứu về khí quyển trên siêu trái đất này trong vài thập niên tới, nhằm tìm kiếm các chỉ dấu sinh học của sự sống ngoài trái đất.
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)