BS đang điều trị cho một bệnh nhân bị suy tim. Ảnh: T.L |
Suy tim là bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi. Người bệnh suy tim bị ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và biến chứng nặng nề nhất là có thể gây đột quỵ.
Nguyên nhân gây bệnh
TS.BS Phạm Mạnh Hùng – Viện Tim quốc gia cho biết: “Ở Việt Nam, số người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn do căn bệnh này có những triệu chứng không điển hình. Tại Việt Nam hiện nay, có tới 50% bệnh nhân suy tim bị chẩn đoán nhầm sang bệnh lý hô hấp”.
Cũng theo BS. Phạm Mạnh Hùng thì suy tim là tình trạng cơ tim không còn đủ sức co bóp tống máu để đảm bảo nhu cầu ôxy ngoại biên của cơ thể nữa. Đây là biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tim, động mạch và các bệnh toàn thân. Do tình trạng của từng bệnh mà tim có thể suy một bên trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra suy tim là do rối loạn nhịp tim và một số bệnh ở ngoài tim như: Tăng huyết áp, thiếu máu nặng do mất máu cấp, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim… Bệnh nhân bị bệnh này thường khó thở, tim đập nhanh kể cả khi nghỉ ngơi, rất mệt mỏi, đau hạ sườn phải do ứ máu ở gan quá mức. Ngoài ra, bệnh nhân còn rất chán ăn, buồn nôn do phù ruột và đường tiêu hóa giảm… Những bệnh nhân suy tim nặng lâu ngày có thể xuất hiện tình trạng suy mòn và tím tái.
Nhận biết và điều trị
Bệnh này có thể phòng ngừa và điều trị được nếu người bệnh tự nhận biết những dấu hiệu bất thường liên quan đến tim để đi khám sớm. Việc chẩn đoán suy tim rất khó. Khi bệnh nhân được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng khó thở, rất khó có thể xác định nhanh, chuẩn xác nguyên nhân nào gây ra tình trạng này. Để tiến hành những xét nghiệm sâu hơn như siêu âm tim thì không dễ dàng thực hiện ngay tại phòng cấp cứu. Hiện nay, để phát hiện bệnh suy tim, các BS đang áp dụng các phương pháp: Lâm sàng, chụp X-quang ngực, siêu âm tim và mới đây là phương pháp xét nghiệm NT-ProBNT. Phương pháp mới này đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, xét nghiệm này đã được triển khai tại Viện Tim quốc gia, Bệnh viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Tim Tâm Đức… Nguyên tắc điều trị suy tim gồm điều trị triệu chứng chung và điều trị nguyên nhân. Trong đó, điều trị triệu chứng chung bằng các thuốc trợ tim, lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu sẽ làm giảm nhanh triệu chứng khó thở và tăng khả năng gắng sức của người bệnh.
BS. Phạm Mạnh Hùng khuyến cáo rằng chế độ ăn cũng rất quan trọng trong việc điều trị bệnh suy tim. Quan trọng nhất của người bị suy tim là cần giảm cung cấp muối và nước. Nên ăn nhiều rau quả để tạo môi trường kiềm, tạo sức đề kháng cho cơ thể. Rau quả lại chứa nhiều kali nên có tác dụng lợi tiểu, rất tốt cho bệnh nhân suy tim. Tránh dùng các loại thức ăn lên men như trứng, đậu vì nó đẩy cơ hoành lên, làm ảnh hưởng đến tim. Nên hạn chế các thức ăn ức chế thần kinh như chè, cà phê, rượu, các loại gia vị. Không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa muối, cà pháo, mắm tôm, bánh mì, thịt hun khói, pa-tê, xúc xích, lạp xưởng. Thức ăn của bệnh nhân nên được chia thành 3 bữa chính trong ngày, bữa tối nên ăn trước khi đi ngủ từ 2-3 giờ. Có thể cho phép bệnh nhân sử dụng chè loãng và rượu nhẹ với một lượng vừa phải.
Trong suy tim nặng cần hạn chế hoạt động thể lực, nghỉ ngơi tại giường nếu cần thiết. Sau đó hoạt động trở lại từ từ có sự theo dõi sát của BS.
Phụng Diễm
Bình luận (0)