Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Xem tivi gần, thường dụi mắt dù trẻ không buồn ngủ hoặc nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa… Đó là những biểu hiện bạn thường hay bỏ qua nhưng lại chính là cơ sở giúp bạn nhận biết sớm về tật khúc xạ ở trẻ. Bệnh có thể dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Thường xuyên kiểm tra mắt 6 tháng/lần sẽ giúp trẻ tránh được các tật khúc xạ. Ảnh minh họa.
Những tật khúc xạ thường gặp
Chức năng của mắt là thu nhận ánh sáng giúp nhìn rõ hình ảnh của những vật xung quanh. Mắt bình thường (còn gọi là mắt chính thị) là mắt cho phép tia sáng đi vào hội tụ đúng trên võng mạc. Võng mạc chính là lớp thần kinh tiếp thu ánh sáng truyền về não bộ giúp “nhìn” thấy vật xung quanh. Chỉ khi ánh sáng hội tụ đúng ở võng mạc thì vật mới được nhìn rõ. Khi mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đúng trên võng mạc thì gọi là mắt có tật khúc xạ. Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em gồm: Cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ.
Dấu hiệu phát hiện sớm
Theo ThS, BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, phụ huynh, thầy cô và người chăm sóc trẻ nên chú ý quan sát các em khi học tập, sinh hoạt để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ sau đây:
– Do nhìn xa không rõ nên khi xem tivi các em hay chạy lại gần để nhìn cho rõ, lại gần bảng mới thấy chữ hoặc chép “ké” bài của bạn.
– Hay nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi xem tivi hay nhìn một vật ở xa.
– Đọc chữ hay bị nhảy hàng, dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc hoặc đọc chữ rất chậm so với các bạn cùng lớp.
 – Hay chép sai đề bài, viết sai chữ. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ và “nhòe” khi nhìn lên bảng, hay đọc nhầm những chữ cái chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T…
– Thường dụi mắt dù trẻ không buồn ngủ.
– Than mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt.
Cách phòng ngừa
Tật khúc xạ ở mắt là một trong những căn bệnh học đường rất thường gặp ở trẻ em khiến trẻ mắt kém không nhìn rõ trên bảng, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập. Về lâu về dài sẽ dẫn đến những hậu quả rất khó lường như trẻ thường xuyên bị đau nhức mắt, chóng mặt, hạn chế rất nhiều đến sinh hoạt và vui chơi của trẻ, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
        ThS, BS Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Theo BS Đinh Thạc, để phòng ngừa tật khúc xạ ở trẻ cần lưu ý những điều kiện sau:

– Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng loại đèn dây tóc có chụp phản chiếu, nếu dùng đèn nê-on thì nên dùng loại có 2 bóng mắc song song. Ánh sáng phải chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ.
– Tư thế ngồi học phải thẳng lưng, hai chân khép để trên nền nhà, đầu cúi 10 – 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp với cấp học, đảm bảo khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp trung học cơ sở và 35cm với học sinh phổ thông trung học. Tuyệt đối không đọc sách trong điều kiện thiếu hụt ánh sáng, khi đang đi tàu xe, khi nằm, khi đang ăn.
– Chữ viết trên bảng và trong vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen.
– Phải có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi – thư giãn, điều tiết giữa nhìn gần, nhìn xa. Sau khi học khoảng1 giờ cần phải nghỉ 10 – 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không nên quá 60 phút mỗi lần. Khoảng cách an toàn cho trẻ là ngồi cách màn hình máy vi tính 50cm, cách màn hình tivi ít nhất là 2m.
– Cần có chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý cho mắt, ngủ đủ giấc từ 8 – 10 tiếng một ngày. Dinh dưỡng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo cung cấp đủ các loại vitamin cho cơ thể.
– Chú ý cho trẻ đi khám kiểm tra định kỳ “sức khỏe cho đôi mắt” 6 tháng một lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở… để kịp thời phát hiện, điều chỉnh hiệu quả các tật khúc xạ có thể xảy ra cho trẻ.
Minh Phương
GiadinhNet

 

Bình luận (0)