Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phát hiện sớm trẻ bệnh lồng ruột

Tạp Chí Giáo Dục

Các BS đang điều trị bệnh lồng ruột cho trẻ
Bệnh lồng ruột ít xảy ra ở người lớn và thường gặp là ở trẻ em khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở xuống nhưng rất khó phát hiện. Chính vì thế, các bậc phụ huynh không được chủ quan xem thường. 
Do chưa biết nói nên khi bị lồng ruột, trẻ chỉ biết khóc thét co chân đạp mạnh hoặc giãy nảy người vì đau thắt từng cơn. Đây là một triệu chứng để cha mẹ có thể nghi ngờ con mình bị bệnh lồng ruột.
Những biểu hiện của chứng bệnh
Sau một lần cho con bú, chị Phạm Thị Mỹ – nhân viên Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp thấy đứa con gái của mình khóc thét mấy lần dỗ thế nào cũng không nín. Cháu My cứ ưỡn người liên tục như muốn thoát ra khỏi đôi tay của mẹ rồi một lúc sau đứa trẻ 8 tháng lại ói vọt ra sữa, mặt tím tái. Vốn có chút hiểu biết về bệnh tật trẻ nhỏ và nhờ người nhà là BS tư vấn, vợ chồng chị đoán con mình có thể bị lồng ruột. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (TP.Cao Lãnh) đứa con gái của chị Mỹ đã nhanh chóng bình phục.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức đầy đủ về cách chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi và chẩn đoán đúng bệnh để kịp thời đưa trẻ đến gặp  BS như chị Mỹ. Một vài người vẫn thiếu hiểu biết và chủ quan nên đã làm cho bệnh tình thêm nặng và tất nhiên tốn kém thêm thời gian chữa trị. Đó là câu chuyện của chị Lê Thị H. bán tạp hóa ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Chị H. kể lại: “Hồi đứa con trai tôi được 14 tháng tuổi lâu lâu cháu cứ khóc như bị đau bụng. Mỗi lần như vậy tôi lấy dầu xức cho cháu thì bớt hẳn. Vài ngày sau, vợ chồng tôi không để ý đến lúc cháu đau thắt liên tục và khi thấy bé đi cầu ra máu vẫn cứ nghĩ cháu bị viêm đường tiêu hóa nên tự mua thuốc cho cháu uống. Cũng may có người khách vào tiệm mua đồ nghi là cháu bị lồng ruột khuyên đi khám mới phát hiện ra bệnh”. Cho đến bây giờ vợ chồng chị còn ân hận vì quá bận rộn và chủ quan nên để cho con bệnh nặng mà không hay biết.
BS. Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, trẻ bị lồng ruột nếu được cấp cứu kịp thời thì việc tháo lồng ruột không phức tạp. Nhưng nếu ruột đã bị hoại tử do để lâu ngày thì bắt buộc phải phẫu thuật. Lúc đó hai đoạn ruột lồng đã có cơ hội chui vào sâu hơn dễ tắc nghẽn mạch máu dẫn đến ruột bị phù nề gây nhiễm trùng và nguy hiểm hơn là thủng ruột. Theo BS. Hiếu, triệu chứng của bệnh lồng ruột rất dễ nhận biết vì làm cho trẻ đau thắt từng cơn một cách đột ngột dù trước đó bé vẫn khỏe mạnh. Do ruột bị lồng (thường là ruột non chui vào ống ruột già kế cận) nên tiêu hóa bị cản trở và làm cho trẻ nôn ói mặc dù vẫn ăn uống bình thường. Ở trạng thái bất bình thường này, mạch máu sẽ bị thắt nghẹt và gây đau nhẹ. Đến khi đoạn ruột dưới bị tổn thương mà nguy hiểm nhất là hoại tử dần thì sẽ xuất hiện những cơn đau dữ dội làm cho trẻ tím tái người và đi ngoài ra máu giống như trường hợp con chị H.
Không được xem thường
Dân gian vẫn cho rằng, khi cha mẹ đùa giỡn tung hứng con thì trẻ sẽ bị lộn ruột nhưng thực tế thì không phải như vậy. BS. Hà Văn Thiệu (Khoa Nội – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, mặc dù gây khó khăn trong tiêu hóa và dễ bị hoại tử nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân. Theo kết quả nghiên cứu thì những trẻ có bệnh về đường ruột như u ác tính, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường ruột có liên quan đến căn bệnh này. Điều đáng lưu ý hơn là khi trẻ bị tiêu chảy virus và vi khuẩn sẽ làm tăng sự co thắt của nhu động ruột dẫn đến ruột bị lồng vào nhau. Theo BS. Thiệu, chế độ uống sữa và ăn dặm thay đổi đột ngột cũng làm cho bé lồng ruột do nhu động ruột bị biến đổi  bất ngờ.
Khi bị lồng ruột, trẻ được các BS tháo lồng ruột bằng cách bơm hơi để tạo áp lực đẩy đoạn ruột bị lồng ra ngoài đoạn ruột bên ngoài dưới sự hướng dẫn của máy soi X quang tại chỗ. Đó là cách làm của Khoa Nội Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đối với con chị H. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, có một vài trường hợp phải cấp cứu do đoạn ruột của trẻ đã chui sâu vào bên trong gây tắc ruột và phù nề. Khi ruột bị nhiễm trùng huyết sẽ rối loạn nước và điện giải trầm trọng nên phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột nhất là khi bị lủng ruột, điều mà không có ai mong muốn cả.
Bài, ảnh: Hương Thủy
BS. Hiếu lưu ý, khi có các triệu chứng liên quan đến lồng ruột như trẻ khóc thét và giãy giụa từng cơn do đau thì không thể để ở nhà tự điều trị vì cho rằng trẻ bị đau bụng bình thường. Càng đưa trẻ đến bệnh viện sớm thì càng giúp cho trẻ tránh được nhiễm trùng đoạn ruột bị lồng. Sau khi được điều trị bệnh lồng ruột vẫn có nguy cơ tái phát nên các cha mẹ cần quan tâm theo dõi để được điều trị kịp thời tại các bệnh viện chuyên khoa nhi.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)