Giới thiên văn học lâu nay cho rằng đâu đó bên ngoài vũ trụ bao la, chị em song sinh của mặt trời vẫn tồn tại cho đến ngày nay, sau khi chào đời cùng một nôi sao và cấu tạo từ những vật liệu tương tự
.
Hình ảnh mặt trời. Ảnh: NASA/JPL-CALTECH
Và giờ đây các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ đã tìm được tung tích của nó. Nằm cách trái đất khoảng 184 năm ánh sáng, họ hàng mất tích của mặt trời được gọi với tên HD186302.
Đa số các ngôi sao được tạo thành theo từng nhóm có thể lên đến hàng ngàn, bên trong những nơi được gọi là nôi của các vì sao. Bản thân mặt trời của chúng ta cũng phải xuất phát từ một nôi sao nào đó cách đây 4,57 tỉ năm, theo báo cáo trên chuyên san Astronomy & Astrophysics. Theo thời gian, các ngôi sao bị quẳng vào những vị trí khác nhau trong thiên hà của chúng, nhưng đa số ít nhất đều có bạn đồng hành. Ước tính đến 85% trong số tất cả các ngôi sao có thể là hệ đôi, hoặc thậm chí di chuyển theo hệ tam hoặc hệ tứ, và phải hơn 50% số sao như mặt trời của chúng ta thường đi theo cặp.
Đến nay, theo hiểu biết của nhân loại, mặt trời là “đơn độc”. Tuy nhiên, vẫn có manh mối cho thấy nó từng thuộc một hệ đôi. Cho đến nay, chỉ có một số ít ỏi sao lọt vào danh sách có thể là song sinh của mặt trời. Trong nỗ lực mới, một đội ngũ do các nhà nghiên cứu của Viện Vật lý thiên thể và Khoa học vũ trụ (Bồ Đào Nha) dẫn đầu, đã triển khai cuộc tìm kiếm dựa trên các phương tiện hiện đại hơn trước. Và họ đã tìm được HD186302, không chỉ là chị em bình thường mà phải là thứ gì đó đặc biệt hơn, cụ thể là song sinh của mặt trời. Mọi đặc điểm của đối tượng đều hết sức tương đồng, từ kích thước, nhiệt độ bề mặt và độ sáng, chưa kể số lượng dồi dào các hóa chất tương tự đến độ tuổi, khoảng 4,5 tỉ năm.
Cho đến nay, chúng ta thực sự chưa biết gì về cái nôi sinh ra mặt trời, nên bất kỳ họ hàng nào của nó, nếu có, đều cung cấp manh mối giúp khám phá nguồn gốc của nguồn năng lượng mang đến sự sống cho muôn loài trên trái đất.
Hạo Nhiên/TNO
Bình luận (0)