Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phát hiện và điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ có dấu hiệu sốt, nên nhanh chóng đưa trẻ về cơ sở y tế khám, phát hiện kịp thời điều trị. Ảnh: N.Trinh

Sốt xuất huyết (SXH) rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Xem thường, tự ý chẩn đoán sai kéo theo điều trị không đúng, không kịp thời có thể khiến trẻ tử vong. Việc phát hiện kịp thời, đúng bệnh, cha mẹ vẫn có thể điều trị bệnh cho trẻ tại nhà.

Biểu hiện của bệnh
Bệnh SXH do muỗi vằn truyền vi rút dengue gây nên. Bệnh xảy ra vào đầu mùa mưa, cao điểm từ tháng 6-10 âm lịch. Khi mắc bệnh, người bệnh thường sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC kéo dài trong vòng 2-7 ngày. Các biểu hiện của SXH như: Chấm xuất huyết, vết bầm tím ngoài da ở mặt, chân, tay, lòng bàn chân, mặt đỏ ửng. Ngoài ra, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, hoặc đại tiện ra máu, phân màu đen, song song đó người bệnh đi tiểu ít lại. Đáng lưu ý, hai ngày đầu bệnh khiến trẻ sốt cao, sang ngày thứ ba, trẻ hết sốt nhưng cũng là thời gian bệnh diễn tiến rất nhanh và nặng. Nếu như thấy trẻ hết sốt, vui tươi, khỏe mạnh, có thể chơi đùa thì đó không phải là SXH. Nếu thấy trẻ hết sốt nhưng trẻ đau bụng thất thường, tay chân lạnh, da tím tái, người bứt rứt, lâu lâu lại ói hoặc trẻ than đau phía bên phải bụng tức là đau gan, lúc này là bệnh đang có dấu hiệu trở nặng cần mang trẻ cấp cứu kịp thời.
Những cách điều trị
Thông thường, bệnh thường xảy ra với trẻ từ 2-9 tuổi. Tuy nhiên, khi bệnh xảy ra với trẻ dưới một tuổi, cha mẹ tránh nhầm tưởng trẻ sốt do mọc răng. Sốt do mọc răng diễn ra âm ỉ, nhiệt độ tăng cao từ 37,5 – 38oC. Khi bệnh của trẻ trở nặng, các mạch máu ngoại biên (bên ngoài) bị co lại khiến tay, chân và bụng bị lạnh. Song lúc này nhiệt độ trong cơ thể trẻ rất cao. Vì thế, cha mẹ không nên dùng mùng mền hoặc mặc nhiều áo làm ấm cơ thể. Việc làm này khiến nhiệt độ không thoát ra được mà còn cao hơn có thể đẩy trẻ vào tình trạng sốt cao, sốc dẫn đến co giật.
Nếu chẳng may trẻ bị co giật cũng tránh lấy chanh vắt vào miệng. Trong quá trình trẻ bị co giật, trẻ mất hết khả năng điều khiển mọi hoạt động, vắt chanh vào có thể khiến trẻ sặc, co thắt phổi dễ dẫn đến tử vong. Cũng không nên hạ sốt cho trẻ bằng việc cạo gió, hay lấy rượu chà lên người. Da của trẻ nhỏ còn mỏng, cạo gió khiến vi trùng có thể xâm nhập gây viêm nhiễm. Ngược lại cạo gió sẽ khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh hay dùng rượu cũng khiến trẻ bị ngộ độc rượu vì rượu có thể thẩm thấu qua da.
Những trường hợp trẻ SXH nhẹ được bác sĩ cho về nhà tự điều trị nhằm mục đích tránh quá tải cho bệnh viện, giảm khó khăn cho trẻ và cả cha mẹ. Trong hoàn cảnh này, cha mẹ nên điều trị bệnh cho trẻ đúng, kịp thời như hướng dẫn của bác sĩ. Không dùng aspirine để hạ nhiệt vì có thể gây xuất huyết dạ dày, nên hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng của trẻ từ 4-6 giờ, kết hợp việc cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, cho trẻ nghỉ ngơi, tránh hoạt động nặng. Khi trẻ bị SXH, tiểu cầu giảm, máu đặc vì thế phải thường xuyên động viên trẻ uống nhiều nước, bất kỳ nước gì trẻ thích uống hoặc nước oresol (là dung dịch bù nước và các chất Na, Ka, Glucose trong cơ thể đã bị mất do nôn ói, tiêu chảy), song song đó dùng nước ấm lau người hạ nhiệt cho trẻ. Nếu trẻ bị co giật, cha mẹ nên bình tĩnh. Co giật chỉ xảy ra từ 1-2 phút, lúc này cha mẹ nên lấy chiếc muỗng quấn gạc, đặt ngang miệng tránh cho trẻ cắn lưỡi và đặt trẻ nằm nghiêng để đờm giải chảy ra. Đặt thuốc hạ nhiệt vào hậu môn và cho trẻ uống nhiều nước. Trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ, nên tái khám mỗi ngày theo định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh.
BS. Đinh Anh Tuấn
(Phó khoa Sốt xuất huyết – Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM)

Bình luận (0)