Còn hơn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ chính thức diễn ra. Tận dụng thời điểm “nước rút”, nhiều sĩ tử đua nhau chong đèn “dùi mài kinh sử”. Học ngày, cày đêm chăm chăm thực hiện ước mơ đại học nhưng… bỗng dưng quên béng việc chăm sóc sức khỏe bản thân mình.
Mùa thi, áp lực đè nặng lên vai sĩ tử. Để thực hiện ước mơ sĩ tử thường chỉ biết học và học. Hết học thêm tại các trung tâm, lại đến học nhóm rồi tự học.
Nhưng khổ nỗi, 1 ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, điều này là “bất di bất dịch”, không thể thay đổi. Vì thế để có thêm thời gian tự ôn luyện, nhiều bạn đã tìm đến những thức uống kích thích như một công cụ hữu ích những mong kéo dài thời gian học tập mà cà phê là lựa chọn số một.
Nửa thắng nay Mai Thị Bắc (quê Thanh Hóa) đã rời nhà ra Hà Nội ôn luyện. Với quyết tâm thi đỗ đại học, Bắc chăm chỉ ôn luyện, sáng một trung tâm, chiều một trung tâm. Tối về lại lao vào bàn ôn luyện. 3,4 giờ sáng phòng Bắc vẫn thấy sáng đèn.
Nói về bí quyết thức khuya của mình, Bắc cho biết: Nói thật đi học cả ngày em cũng mệt lắm, tối về chỉ muốn ngủ thôi. Chưa đến 10 giờ mà em đã buồn ngủ díu cả mắt rồi. Muốn ngủ nhưng không được, sắp thi rồi nên phải cố mà học thôi chị ạ. Không thức được thì uống cà phê cho nó tỉnh. Một cốc là tỉnh như sáo ấy mà”.
Sáng cà phê, chiều cà phê, tối lại cà phê. Bắc uống như uống nước. Hết gói này đến gói khác. Lạm dụng đến mức bà bác còn phải thốt lên rằng: Chẳng biết nó ăn uống kiểu gì mà lạ thế. Cơm thì không ăn. Suốt ngày cà phê. Một túi to đùng đến chừng 20 gói, không biết nó uống kiểu gì mà tài thế, chưa được 3 ngày đã văng teo cả rồi”.
Chẳng biết, thức khuya học được nhiều hay ít nhưng sức khỏe Bắc thì giảm sút trông thấy. Người lúc nào cũng phờ phạc, ngáp ngắn ngáp dài, mí mắt thì thâm quầng, đen thui.
Tệ hơn, cuối tuần trước cũng chỉ vì “ham học”, Bắc còn làm cả nhà hoảng hồn khi trưa nắng lăn đùng ra ngất. Cả nhà bà bác chạy đôn chạy đáo đưa Bắc vào viện E cấp cứu. Lo lắng tưởng cháu mắc bệnh gì, hóa ra chỉ vì chăm học, lười ăn lại chăm uống cà phê, thức khuya nên cô nàng đâm mắc “bệnh” suy dinh dưỡng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Không “nghiện” cà phê như Bắc nhưng Hồng Ngọc (quê Hải Dương) lại tìm đến những món ăn nhanh như một biện pháp hữu hiệu nhằm tiết kiệm tối đa thời gian nấu nướng. Và mì tôm, bánh mì trứng là lựa chọn số một của cô nàng.
Ngày nào cũng vậy, lịch “làm việc” của Ngọc là: sáng ngủ, chiều học thêm, tối tự học tới 2, 3 giờ sáng. Và tất nhiên bữa sáng được loại bỏ. Bữa trưa là món bánh mì trứng, bữa chiều có thể là mì tôm nấu rau hay mì tôm trứng.
Thi thoảng thấy cô nàng nấu ăn, thì món chính vẫn là… trứng rán, hay lười hơn là trứng hấp cơm. Và việc ăn trứng bỗng trở thành “thương hiệu” của cô nơi xóm trọ.
Ngọc cho biết, tháng này bạn em đi tập quân sự. Em ở một mình nên cũng ngại, thi thoảng mới nấu ăn thôi. Chứ một mình mà hôm nào cũng lọ mọ nấu ăn thì lếch thếch lắm. Thà ăn vớ vẩn còn hơn, với lại ở nhà em toàn ăn lung tung thế nên cũng quen rồi”. Vừa nói Ngọc vừa cười hóm hỉnh.
Chẳng biết cái lý thuyết “ăn uống vớ vẩn” hiệu quả, tiện lợi đến đâu chứ ý định giảm béo thì hiệu quả có thừa. Mới ở một mình gần tháng trời cô nàng đã sút tận 5 kg thịt. Nhịn ăn, lại thức khuya nên trông Ngọc lúc nào cũng uể oải, phờ phạc. Nằm đâu ngủ đấy. Tối tối cứ chong đèn tận khuya nhưng kỳ thực toàn ngủ luôn tại trận. Nằm trên giường đọc sách nhưng “quanh đi quẩn lại” lại thấy sách úp “ngay ngắn” trên mặt và… ngủ ngon lành.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình mỗi học sinh phổ thông cần 2.300 đến 2.700 calo trong ngày. Song thực tế có nhiều em vì quá chú tâm vào việc học mà quên chuyện ăn uống nên dễ bị suy dinh dưỡng, học hành uể oải, kém hiệu quả.
Vì vậy trong thời gian thi cử đầy áp lực, gia đình, hay chính các sĩ tử cần tạo cho mình một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Học phải đi đôi với việc ăn uống, nghỉ ngơi, kết hợp vui chơi, giải trí.
Không nên chú tâm quá mức vào việc học mà quên đi sức khỏe bản thân, có thế mới tạo cho mình đủ trí và lực “vượt vũ môn hóa rồng”.
Theo Bảo Lâm
(Laodong)
Bình luận (0)