Việc ứng dụng công nghệ số giúp cho các thư viện, bảo tàng thực hiện hiệu quả được công tác sưu tầm, số hóa tổ chức cơ sở dữ liệu phục vụ tra cứu thông tin. Việc ứng dụng công nghệ còn tạo thuận lợi trong việc phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động nghiên cứu và xuất bản lại của các cơ quan, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan.
Số hóa giúp khách tham quan tăng tính trải nghiệm hơn so với cách tham quan truyền thống
Bảo quản tư liệu lâu dài
Ông Vĩnh Quốc Bảo (Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM) cho biết, thư viện rất quan tâm đến việc sưu tầm, bảo quản và phát huy vốn tài liệu quý hiếm – di sản văn hóa dân tộc. Cụ thể, thư viện đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số hóa thực hiện chương trình sưu tầm, số hóa, bảo quản tài liệu Hán Nôm từ năm 2009. Bên cạnh tài liệu Hán Nôm quý hiếm, một mảng tài liệu gồm tạp chí, sách thời Đông Dương (hầu hết bằng tiếng Pháp) cũng được thư viện lưu trữ và bảo quản cẩn thận. Những tài liệu này được xuất bản từ thế kỷ 19 nên không phục vụ trực tiếp do đó cần số hóa để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu. Song song đó, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM còn số hóa 2.000 tư liệu về nghiên cứu âm nhạc dân tộc của GS.TS Trần Văn Khê; số hóa 177 bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; số hóa 700 tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ… “Với kỹ thuật số hóa phù hợp, thư viện tăng cường khả năng khai thác vốn tài liệu quý hiếm Đông Dương, chọn lọc tái bản, tổ chức và giới thiệu đến công chúng, các nhà nghiên cứu vốn tài liệu quý này. Việc số hóa còn hỗ trợ trong việc duy trì tính bền vững tài liệu quý hiếm của thư viện, của gia đình, dòng họ thông qua hoạt động bảo quản, phục chế, cảnh báo, hướng dẫn người dân các kỹ thuật cơ bản trong bảo quản tài liệu”, ông Bảo chia sẻ.
“Với kỹ thuật số hóa phù hợp, thư viện tăng cường khả năng khai thác vốn tài liệu quý hiếm Đông Dương, chọn lọc tái bản, tổ chức và giới thiệu đến công chúng, các nhà nghiên cứu vốn tài liệu quý này. Việc số hóa còn hỗ trợ trong việc duy trì tính bền vững tài liệu quý hiếm của thư viện, của gia đình, dòng họ thông qua hoạt động bảo quản, phục chế, cảnh báo, hướng dẫn người dân các kỹ thuật cơ bản trong bảo quản tài liệu”, ông Vĩnh Quốc Bảo (Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM) chia sẻ. |
Theo bà Phan Thị Kim Liên (Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM), nhằm nâng cao công tác quản lý tài liệu, từ năm 2018 bảo tàng đã xây dựng và hoàn thiện sổ theo dõi hiện vật bảo tàng trên máy tính. Tính đến nay, bảo tàng đã số hóa được 18.756 tài liệu, hiện vật và đang tiếp tục thực hiện cũng như từng bước scan để số hóa hồ sơ hiện vật nhằm phục vụ lưu trữ và khai thác nội dung hiện vật để trưng bày, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh. Bên cạnh số hóa hình ảnh, tư liệu, hồ sơ hiện vật, bảo tàng còn số hóa thư viện sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 2.800 tựa sách, khoảng 6.000 cuốn sách để phục vụ cho công tác quản lý, tra cứu và phục vụ bạn đọc dễ dàng. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu đã giúp cho công tác quản lý, lưu trữ, khai thác, nghiên cứu thông tin hiện vật tại các kho được tiến hành một cách khoa học, nhanh chóng và dễ dàng. Nhờ đó đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác khác tại bảo tàng”, bà Liên bày tỏ.
Tăng tính trải nghiệm
Năm 2013, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã thực hiện dự án “Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng”. Sản phẩm đầu tiên là thực hiện trưng bày chuyên đề “Bác Tôn – Câu chuyện giáo dục trong gia đình qua những lá thư”. Với 3 từ khóa: Giáo dục con cháu về tính tự lập; về lòng yêu thương và về nghĩa vụ công dân, từ những hiện vật lá thư của bác Tôn đã gửi con cháu, bảo tàng triển khai trưng bày theo 3 nội dung tương ứng. Theo đó, khách tham quan ngoài việc xem nét bút trên những lá thư của bác Tôn còn có thể xem và nghe những câu chuyện từ những người trong cuộc kể lại về cách giáo dục con cháu có trách nhiệm với gia đình và xã hội thể hiện qua thủ pháp trưng bày và màn hình cảm ứng. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã áp dụng công nghệ màn hình chạm vào trưng bày. Năm 2017, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã thực hiện trưng bày chuyên đề “15 năm tù Côn Đảo” với việc tái hiện mô hình hầm xay lúa ở Côn Đảo để khách tham quan trực tiếp tương tác, trải nghiệm với âm thanh, ánh sáng, khói bụi (nhân tạo). Bên cạnh đó, khách tham quan còn được xem những video phỏng vấn nhân chứng lịch sử gắn với chủ đề trưng bày để hiểu hơn về những năm tháng mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng bị giam cầm tại Côn Đảo. Đặc biệt, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn xây dựng ứng dụng di động về bảo tàng và phần mềm gia phả Chủ tịch Tôn Đức Thắng chạy trên web. Việc này giúp khách tham quan có thể nghe thuyết minh tự động về từng nội dung được trưng bày tại bảo tàng. Ông Lê Thanh Điền (cán bộ Phòng Sưu tầm – Trưng bày, Bảo tàng Tôn Đức Thắng) cho hay: “Công nghệ số giúp cho việc trưng bày ở bảo tàng trở nên sinh động, hấp dẫn và gần gũi hơn với khách tham quan. Bên cạnh đó, công nghệ còn giúp cho việc quản lý và phát huy giá trị các hiện vật trong bảo tàng hiệu quả hơn”.
Các bạn trẻ trải nghiệm tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng bằng kính thực tế ảo
Ông Nguyễn Trọng Minh (cán bộ Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh) chia sẻ, thời gian qua Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác trưng bày, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Ban đầu chỉ là một vài màn hình nhỏ được xen kẽ cùng các hình ảnh, hiện vật trong chuyên đề trưng bày. Sau đó, bảo tàng tiếp tục đầu tư màn hình lớn hơn, những đoạn phim có chất lượng hơn, mật độ xen kẽ trên các mảng trưng bày gia tăng hơn. Đi kèm với hình ảnh là âm thanh cảm ứng như: âm thanh súng, máy bay ném bom… “Từ kỹ thuật phim kết hợp âm thanh, bảo tàng đã phát triển thành hệ thống thuyết minh tự động kết hợp cả nghe, nhìn và tương tác. Khi khách tham quan đến các điểm hiện vật và màn ảnh đã được đánh số sẽ nghe được thuyết minh tương ứng”, ông Minh cho hay.
Hồ Trinh
Bình luận (0)