Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Phát huy giá trị của cao nguyên đá Ðồng Văn

Tạp Chí Giáo Dục

Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn đã được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Vấn đề đặt ra là tỉnh Hà Giang phải làm gì và làm như thế nào nhằm khai thác và bảo tồn giá trị tiềm năng của cao nguyên đá Ðồng Văn vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội cũng như bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái nơi đây.

Một góc Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn  

Có dịp lên Hà Giang, đi qua một vệt các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc mới thấy hết sự kỳ vĩ của công viên địa chất cao nguyên đá này.
Với tổng diện tích khoảng 2.350 km2, cao nguyên đá Ðồng Văn hội tụ các cảnh quan kỳ thú, độc đáo và đa dạng, có giá trị nhiều mặt không chỉ tài nguyên sinh thái mà cả du lịch. Do cấu tạo địa chất đặc thù trải qua hàng triệu năm, đã tạo nên những dãy núi có dạng kim tự tháp đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau cao sừng sững. Quá trình tiến hóa Karst cũng đã tạo nên những hẻm vực sông Nho Quế, Ðộng Nguyệt, Hang Rồng; là các "vườn đá", "rừng đá" rất đa dạng và phong phú như vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) hiện ra trước mắt du khách là những chóp đá tựa như các bông hoa, nụ hoa muôn hình, nghìn vẻ. Vườn đá Vần Chải (Ðồng Văn) là cơ man các phiến đá tròn nhẵn gối lên nhau trông giống như đàn hải cẩu đang vui đùa trên bãi biển bình yên…
Theo các nhà khoa học, Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn có gần 140 điểm di sản, chia thành nhiều nhóm cảnh quan địa mạo; hóa thạch, cổ sinh – địa tầng, hang động đá vôi. Ðồng thời là vùng có hệ địa – sinh thái núi đá độc đáo. Trong đó đáng kể là quần thể rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, bao gồm nhiều loài gỗ, lâm sản và cây thuốc quý như nghiến, thông đá, dẻ, lê, mận, táo, đương quy, thảo quả, đỗ trọng… Nơi đây cũng là môi trường sống của hàng chục loài động vật quý hiếm (voọc, hoẵng, sơn dương, cầy hương, nhím…). Cùng với những giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan, cao nguyên đá Ðồng Văn còn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào gần 20 dân tộc thiểu số bao đời nay sinh sống. Ai từng đặt chân lên vùng biên ải cực bắc của Tổ quốc thì khó quên hình ảnh cột cờ Lũng Cú, phố cổ Ðồng Văn, chợ tình Khau Vai, kiến trúc cổ nhà họ Vương.
Khi được UNESCO công nhận và kết nạp vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, là điều kiện thuận lợi, là cơ hội để Hà Giang đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có việc khai thác du lịch địa chất kết hợp du lịch văn hóa dân gian; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Song có một thực tế cần được nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc, đó là tình trạng buông lỏng quản lý đối với hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng lâu nay của người dân. Không ít cán bộ ở Hà Giang cho rằng, một thời gian dài vấn đề này ít được chính quyền các cấp và các ngành quan tâm. Bởi vậy khá nhiều nơi ở Mèo Vạc, Quản Bạ, Ðồng Văn, một bộ phận người dân, phần do thiếu ý thức, phần do không có tiền mua nguyên vật liệu, đã khai thác đá một cách tự do, bừa bãi, đã làm biến dạng cảnh quan một số vườn đá, rừng đá và các hang động đẹp. Mặt khác, khu phố cổ hơn một thế kỷ thuộc thị trấn Ðồng Văn, trải qua thời gian, tác động của thiên nhiên, không ít ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Những năm gần đây, các hộ gia đình có điều kiện đã dỡ bỏ, xây dựng nhà cao tầng hiện đại, dẫn đến phá vỡ cảnh quan chung một thời khá nổi tiếng của khu phố cổ vùng cao… Theo đồng chí Ma Ngọc Giang, Phó Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn, tỉnh đang có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khảo sát, xây dựng, quy hoạch Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn phù hợp với điều kiện địa hình, cảnh quan môi trường và cuộc sống của người dân trong vùng. Phát triển đi đôi với công tác bảo tồn các giá trị, cảnh quan di sản địa chất và di sản văn hóa. Ban quản lý Công viên địa chất của Hà Giang phối hợp các ngành, hình thành nên các tua du lịch địa chất, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Hà Giang…
Ý tưởng thì rất nhiều nhưng vấn đề đặt ra cho tỉnh là sớm xây dựng và ban hành quy chế quản lý công viên địa chất. Trong đó có việc khẩn trương quy hoạch khu vực khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, tránh gây tổn hại đến cảnh quan địa mạo và các di sản địa chất; bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên thuộc vùng công viên phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của địa phương. Ðiều không kém phần quan trọng là cần giới thiệu, quảng bá sâu rộng hình ảnh Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế. Ðồng thời, công viên địa chất chỉ phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, và thân thiện với môi trường một khi nhận thức hiểu biết của người dân sinh sống trong vùng được nâng cao. Theo ý kiến các nhà khoa học, là làm sao lôi kéo, thu hút người dân địa phương cùng tham gia bảo vệ và phát triển các di sản; từng bước cải thiện đời sống… đó cũng là biện pháp thiết thực nhằm phát huy và bảo  tồn giá trị của Công viên địa chất cao nguyên đá Ðồng Văn.
Theo NGUYỄN KHÔI
(NDDT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)