Từ nhiều năm nay, Saigon Co.op là doanh nghiệp bán lẻ chủ lực của TP HCM tham gia thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa các tỉnh, thành trên cả nước với TP HCM…
Mới đây, TP HCM đã phối hợp 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hợp tác kinh tế – xã hội. Trong chuỗi hoạt động chung, hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp (DN) phân phối TP HCM và DN các tỉnh, thành ĐBSCL là sự kiện được nhiều DN, HTX, tổ sản xuất vùng ĐBSCL quan tâm.
Tận tình hướng dẫn nhà sản xuất địa phương
Hơn 100 cuộc tiếp xúc giữa các nhà sản xuất miền Tây Nam Bộ với các nhà phân phối lớn đến từ TP HCM đã diễn ra. Kết thúc sự kiện, các DN phân phối tìm được hàng chục nhà cung ứng tiềm năng có thể tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thu mua. Trong đó, riêng Saigon Co.op đã tìm được 8 nhà cung ứng tiềm năng là đơn vị cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản, rau củ quả an toàn, thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ dừa…
Mặt hàng nông sản của các tỉnh ĐBSCL được khách hàng ưa chuộng tại Co.opmart
Thông qua tiếp xúc trực tiếp, các DN cung ứng địa phương nhận được nhiều góp ý, nhiều thông tin về tiêu chuẩn đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối để qua đó tiếp tục tự hoàn thiện mình (về khả năng cung ứng, tiêu chuẩn chất lượng, đóng gói, bao bì, giá cả…) và thông qua tín hiệu về nhu cầu thị trường của thành phố để sản xuất, cung ứng sản phẩm phù hợp.
Trả lời câu hỏi chung của nhiều DN, HTX, tổ hợp tác… về thủ tục, điều kiện đưa hàng vào siêu thị, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết nhiều năm nay, thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, chương trình hợp tác kinh tế – xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành và hoạt động riêng của siêu thị nhằm tìm kiếm, đa dạng nguồn hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart, CoopXtra, cửa hàng Co.op Food… Saigon Co.op không ngừng tìm kiếm, kết nối, tạo thuận lợi cho các DN Việt đưa hàng vào siêu thị. Đặc biệt, với vai trò là nhà bán lẻ thuần Việt, Saigon Co.op còn dành nhiều ưu tiên cho các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP.
"Trong nhiều năm nay, tỉ lệ hàng Việt tại hệ thống phân phối của Saigon Co.op luôn chiếm tỉ lệ rất cao, đến 98%. Không chỉ hỗ trợ quy cách, thủ tục đưa hàng vào siêu thị, tư vấn cải tiến bao bì, mẫu mã phù hợp thị hiếu tiêu dùng, Saigon Co.op còn tìm mọi cách giúp các nhà cung cấp" – ông Trường Sơn bày tỏ.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác thu mua, phát triển mạng lưới
Có mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết từ nhiều năm nay, Saigon Co.op là DN bán lẻ chủ lực của TP HCM tham gia thúc đẩy giao thương, lưu thông hàng hóa các tỉnh, thành trên cả nước và TP HCM. Riêng với khu vực ĐBSCL, Saigon Co.op đang thu mua hàng hóa của gần 230 nhà cung cấp tại khu vực ĐBSCL, chiếm 20% tổng số nhà cung cấp cho Saigon Co.op, với đa đạng các chủng loại, đặc biệt là mặt hàng nông sản thiết yếu. Tổng sản lượng hàng của khu vực ĐBSCL cung ứng cho hệ thống Saigon Co.op đạt hơn 43.000 tấn/năm với giá trị trên 1.800 tỉ đồng, đặc biệt đã xuất khẩu 160 container nông sản, thực phẩm chế biến từ khu vực miền Tây sang thị trường nước ngoài.
Không chỉ kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện cho nhà sản xuất ĐBSCL tham gia hiệu quả vào kênh phân phối hiện đại mà suốt 20 năm nay, Saigon Co.op tiên phong đầu tư mở rộng phát triển mạng lưới tại khu vực ĐBSCL. Đến nay, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tại ĐBSCL đang phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của hàng trăm ngàn lượt khách hàng mỗi ngày, đóng góp tích cực vào công tác bình ổn thị trường, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động thời vụ.
Trong thời gian tới, với vị thế dẫn đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, Saigon Co.op đặt mục tiêu quy mô doanh thu tại vùng ĐBSCL đạt 10.000 tỉ đồng/năm, về hoạt động thu mua hàng hóa đạt 2.200 tỉ đồng, phát triển 200 điểm bán mới, đa dạng quy mô, phù hợp với đặc thù từng khu vực. Phát triển tiêu thụ, mạng lưới, bổ sung các mô hình Co.op Food, Sense City, đại siêu thị Co.opxtra, kết hợp các loại hình khách sạn, nhà ở và tập trung các mô hình hợp tác quốc tế. Thúc đẩy chuyển đổi số, thương mại điện tử, số hóa điện toán hóa, chuyên nghiệp hóa và nâng cao quá trình kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, uy tín ra các thị trường xuất khẩu góp phần đưa hàng Việt vươn ra thế giới.
Phát huy mạch kết nối thuận lợi
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong tình hình kinh tế hiện nay, DN gặp nhiều khó khăn do những lý do khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, trong nước thì DN đang phải khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19. Việc tăng cường sức mua, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa là rất quan trọng. Các hệ thống phân phối đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng có chất lượng, giá tốt, mẫu mã phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng để cung ứng ra thị trường và để cải thiện hơn nữa hiệu quả kinh doanh. Các nhà sản xuất cũng đang tìm cách tiếp cận các hệ thống phân phối để tìm cách tiêu thụ hàng hóa của mình. Nếu để DN tự thân vận động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các hệ thống phân phối có các quy định, quy trình riêng; các DN cung cấp mất nhiều thời gian tiếp cận các quy định đó và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Hoạt động kết nối giao thương là cơ hội giúp các bên gặp nhau, vừa tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm, giảm rất nhiều chi phí, giúp DN có mạch kết nối thuận lợi và hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.
|
Minh Nhi (theo NLĐ)
Bình luận (0)