Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Phát huy truyền thống, nâng cao chất lượng “lực lượng đặc biệt”

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây 52 năm, ngày 15-12-1959, lớp đào tạo huấn luyện viên huấn luyện sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang (BĐBP ngày nay) được khai giảng tại C500. Từ đó, ngày 15-12 hàng năm trở thành ngày truyền thống của trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng (TCHLCNV BĐBP).
 
 Một buổi huấn luyện chó nghiệp vụ tại trường TCHLCNV BĐBP

Từ một đơn vị với tên ban đầu là Đội 24, trực thuộc Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh CANDVT làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa, chống gián điệp biệt kích, phản động, bảo vệ biên giới, đến năm 1961, đơn vị được nâng cấp thành Tiểu đoàn 24. Sau năm 1975, một bộ phận của đơn vị vào tiếp quản trung tâm huấn huyện chó nghiệp vụ của Mỹ – Ngụy tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, xây dựng thành đơn vị mới lấy tên là trường 276. Ngày 11-11-1982, trường 276 và Tiểu đoàn 24 sáp nhập thành trường Chăn nuôi – Huấn luyện chó nghiệp vụ (gọi tắt là trường 24).

Đặc biệt, ngày 27-5-2008, Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 71/QĐ-BQP tổ chức lại trường 24 thành trường TCHLCNV BĐBP. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nhà trường cả về tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và loại hình huấn luyện đào tạo trong tình hình mới. Theo quy định này, nhà trường trở thành trung tâm đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ có trình độ trung cấp, với các chuyên ngành huấn luyện chó chiến đấu, phát hiện ma túy, thuốc nổ, tìm kiếm cứu nạn, giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự. Ngoài huấn luyện đào tạo, nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ của một trung tâm chăn nuôi chó nghiệp vụ; tổ chức các cụm cơ động chó nghiệp vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong phạm vi cả nước.Từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo 49 khóa huấn luyện viên sử dụng chó chiến đấu, 2 khóa đào tạo chương trình trung cấp, 3 khóa chuyển cấp trung cấp, 10 khóa đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó phát hiện ma túy, 4 khóa đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó chiến đấu cho các địa phương, 5 khóa đào tạo huấn luyện viên và chó nghiệp vụ cho Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, 2 khóa đào tạo huấn luyên viên chó phát hiện ma túy cho Cục Chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan…Hàng ngàn huấn luyện viên và chó nghiệp vụ qua đào tạo được điều động về các đơn vị đã phát huy tốt hiệu quả công tác, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu về quốc phòng – an ninh. Nhiều huấn luyện viên (HLV), chó nghiệp vụ đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc được tặng thưởng huân chương. Với thành tích đạt được 52 năm qua, nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, các địa phương tặng cờ thi đua và các phần thưởng khác…
Là trường duy nhất của quân đội đào tạo HLV huấn luyện sử dụng chó nghiệp vụ, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và nhu cầu kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới, những năm qua, quy mô đào tạo của nhà trường có bước phát triển mới, lực lượng các lớp, các khóa học từ 120 – 150 học viên.Song song với đào tạo chương trình trung cấp, sơ cấp, nhà trường còn đào tạo chuyển cấp trung cấp cho 3 khóa với gần 200 quân nhân chuyên nghiệp, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi thú y, huấn luyện sử dụng chó nghiệp vụ cho 62 sĩ quan. Nhà trường đã từng bước đổi mới nội dung chương trình và phương pháp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn của trường trung cấp trong toàn quân. Từ chỗ chỉ có số ít giáo viên được đào tạo cơ bản, đến nay đã có 85% cán bộ, giáo viên được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường quân đội, trên 90% có trình độ đại học và trên đại học. Năm 2010, đoàn giáo viên nhà trường dự thi Giáo viên giỏi các trường trung cấp, cao đẳng toàn quân đã đạt giải Ba; 5 đồng chí đạt giáo viên giỏi cấp Bộ.Hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường đã gắn với việc nâng cao chất lượng công tác chăn nuôi thú y và huấn luyện đào tạo. Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu huấn luyện, tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Từ năm 2000 đến nay, cán bộ, giáo viên nhà trường đã thực hiện 8 đề tài khoa học cấp Bộ Tư lệnh (BTL), cấp ngành; biên soạn nâng cấp 42 giáo trình, tài liệu giảng dạy. Các đề tài khoa học được ứng dụng hiệu quả trong công tác chăn nuôi thú y, sinh sản và phát triển đàn chó nghiệp vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BTL giao.Công tác chăn nuôi phát triển đàn chó nghiệp vụ luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, có vị trí quan trọng quyết định sự ổn định và phát triển của đơn vị. Nhà trường đã có nhiều giải pháp bảo tồn giống gien, nhân thuần giống chó nhập ngoại để củng cố đàn chó giống sinh sản; duy trì nghiêm quy trình chăn nuôi, thú y làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, giữ vững ổn định đàn chó đưa vào huấn luyện.Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu cũng luôn được nhà trường quan tâm từ chủ trương tới các giải pháp cụ thể. Công tác chuẩn bị huấn luyện luôn được thực hiện tốt, đảm bảo huấn luyện đồng bộ chuyên sâu, tập trung vào nâng cao trình độ cơ động SSCĐ. Thời gian qua, các đơn vị cơ động của nhà trường đã phối hợp với BĐBP các tỉnh làm tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, tìm kiếm cứu nạn, giám biệt nguồn hơi hỗ trợ công tác điều tra hình sự, bắt tội phạm ma túy. Tiêu biểu như sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn ở Bản Vẽ, mỏ đá Lèn Cờ, Yên Thành, Nghệ An; Khền Lền, Bắc Cạn; Mù Cang Chải, Yên Bái…; phối hợp với BĐBP Sơn La, Cục Phòng chống tội phạm ma túy triệt phá đường dây tội phạm ma túy có vũ trang vào tháng 11 – 2009, bắt 2 đối tượng, thu 2 súng, 50 bánh hê-rô-in, 400 viên ma túy tổng hợp.
Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị, những năm tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quán triệt vận dụng đúng đắn đường lối, nhiệm vụ quân sự quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ công tác biên phòng vào huấn luyện đào tạo; nâng cao chất lượng tổng hợp của toàn trường, nhất là chất lượng chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; xây dựng nhà trường chính quy vững mạnh toàn diện, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Phạm Văn Phương – Chính ủy trường TCHLCNV BĐBP
Theo Bienphong

Bình luận (0)