Ngày 2-5-2024 tại TP. Cần Thơ, Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo VN phối hợp Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn ĐBSCL và Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo (HT) “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị Lúa gạo”. Tại HT, các đại biểu đã đi sâu phân tích, đánh giá vai trò của thương lái trong chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại HT
Dự HT có ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT); ông Nguyễn Ngọc Hè – PCT UBND TP.Cần Thơ; đại diện các viện, trường đại học; các sở NN&PTNT vùng ĐBSCL và nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài điểm chính tại TP. Cần Thơ, HT được kết nối trực tuyến với 49 điểm cầu trên toàn quốc.
Khu vực ĐBSCL có khoảng 1,7 triệu ha đất trồng lúa, diện tích gieo trồng mỗi năm gần 7,2 triệu ha. Sản xuất lúa gạo tại khu vực góp phần rất lớn để xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Năm 2023, cả nước xuất được 8,13 triệu tấn. Thời gian qua, tiêu thụ lúa gạo qua kênh thương lái chiếm trên 49%, qua HTX chiếm trên 32%, qua nhà máy xay chà chiếm trên 12%…
Quang cảnh hội thảo
Như vậy có thể thấy, trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, thương lái đóng vai trò quan trọng sau mỗi mùa vụ. Thương lái giúp các công ty lương thực tiếp cận mua lúa tươi tại ruộng cho người trồng lúa, góp phần giải được bài toán vận chuyển và giải quyết khâu phơi sấy sau khi thu hoạch lúa cho người nông dân.
Ông Võ Quốc Trung – cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: Số lượng doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lúa gạo có nhà máy đặt trên địa bàn Sóc Trăng còn khá khiêm tốn so với tổng sản lượng 2,1 triệu tấn lúa gạo hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, thông qua sự linh hoạt trong việc điều tiết cung cầu tiêu thụ lúa gạo của hệ thống thương lái, địa phương đã không xảy ra tình trạng “giải cứu” lúa gạo như một vài nông sản khác.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, trình bày thực trạng liên kết chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL
Theo TS. Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đa phần người trồng lúa thích mua bán với thương lái hơn so với HTX hoặc DN. Nguyên nhân là vì tính linh hoạt trong quá trình thỏa thuận, đơn giản chỉ là thuận mua vừa bán và đặc biệt là người trồng lúa được nhận tiền ngay sau khi bán lúa. DN cũng thích mua lúa thông qua thương lái vì đỡ phải ứng tiền trước cho người trồng lúa trong thời gian dài.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, đôi lúc trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất lúa, mà nguyên nhân là do một bộ phận thương lái dùng “mánh khóe” để ép giá nông dân. TS. Hải dẫn chứng: “Nếu không quản lý tốt sẽ có những thương lái thực hiện các thủ đoạn để gây bất lợi cho nông dân lẫn DN. Chẳng hạn thương lái đặt tiền cọc trước (thường là từ 3 đến 5 triệu đồng/ha lúa) cho nông dân nhưng tới thời điểm thu hoạch họ sẽ có cách để tạo ra giá thu mua thấp khiến nông dân không bán được lúa, và phải đền gấp 2 lần tiền cọc đã nhận. Có những nơi, thương lái và lực lượng máy gặt lúa cấu kết thành một đội. Bên máy gặt lúa sẽ cố tình kéo dài thời gian thu hoạch để thương lái tăng thêm tiền lời về ẩm độ lúa”.
Ông Võ Quốc Trung – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, thông tin về vai trò của hệ thống thương lái trong điều tiết cung cầu
Để khắc phục tình trạng tiêu cực trên, TS Trần Minh Hải cho rằng, thương lái “cần có giấy chứng nhận hành nghề”, được đăng ký hành nghề để giúp người dân phân biệt được thương lái tốt và thương lái chưa tốt. Đồng thời cần có cơ chế khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để thương lái cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, tránh tình trạng mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả.
Phát biểu tại HT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Việc gắn thương lái vào chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo là điều cần thiết, vì sẽ làm gia tăng 20% giá trị ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên để tránh tình trạng người nông dân bị ép giá, tôi cho rằng thương lái nên làm luôn khâu cung cấp đầu vào, cung cấp phương tiện cơ giới khai thác lúa thay cho “cò lúa”. Vì khi thương lái thông qua “cò lúa” để tìm đến người trồng lúa hoặc tìm thuê phương tiện cơ giới, thì các chi phí phát sinh sẽ được thương lái trừ vào giá mua lúa”.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: Đảm nhận khâu trung gian giữa DN và nông dân, thương lái là lực lượng đóng vai trò quan trọng giúp gia tăng giá trị trong chuỗi liên kết lúa gạo. Do đó trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Bộ các cơ chế khuyến khích lực lượng này như hệ thống thương lái đang cần gì, và cơ chế như thế nào, để bổ sung vào Nghị định, từng bước góp phần gia tăng giá trị Lúa gạo… Thứ trưởng cũng gợi ý: Để giảm khâu trung gian trong việc tiêu thụ lúa gạo, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống nông nghiệp đa giá trị: DN cần xây dựng vùng nguyên liệu; các HTX nghiên cứu phụ trách luôn dịch vụ tiêu thụ lúa, qua liên kết, hợp tác với DN, từ đó tránh được “cò lúa” và tăng lợi nhuận cho các thành viên.
Đan Phượng
Bình luận (0)