Báo chí từ lâu đã được xem là một trong những lực lượng xã hội quan trọng, đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân, đồng thời là công cụ phản biện xã hội hiệu quả. Trong lĩnh vực giáo dục – một trong những trụ cột phát triển bền vững của bất kỳ quốc gia nào – vai trò phản biện của báo chí càng trở nên thiết yếu.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh ngày nay khi hệ thống giáo dục đang đối mặt với nhiều thách thức như cải cách giáo dục, chất lượng đào tạo…, báo chí cần phát huy vai trò của mình để giám sát, phản ánh và đề xuất giải pháp.
Phản biện xã hội là quá trình phân tích, đánh giá và đưa ra ý kiến nhằm cải thiện các chính sách, hoạt động xã hội…, để hướng đến kết quả tích cực hơn, trong đó báo chí đóng vai trò như một diễn đàn công khai và có tính định hướng rõ nét. Trong lĩnh vực giáo dục, báo chí không chỉ phản ánh thực trạng mà còn góp phần định hướng dư luận, thúc đẩy cải cách và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể, nhất là người học. Vai trò này thể hiện qua các khía cạnh như giám sát và phản ánh các tiêu cực, phát hiện và đưa ra ánh sáng các vấn đề tiêu cực trong giáo dục như tham nhũng, gian lận thi cử hoặc bạo lực học đường. Vì vậy, báo chí đóng vai trò như “cánh tay nối dài” của công chúng, thường xuyên phản ánh ý kiến người dân về nhiều vấn đề, lĩnh vực, trong đó có giáo dục, đến các cơ quan chức năng. Báo chí cũng là cầu nối để giáo viên, học sinh và phụ huynh bày tỏ quan điểm về chính sách giáo dục, từ đó tác động tích cực lên cơ quan quản lý và toàn xã hội. Báo chí còn tham gia định hướng và đề xuất giải pháp, bởi qua các bài viết phân tích, báo chí không chỉ chỉ trích mà còn đề xuất các giải pháp khả thi, góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục tốt hơn. Hiện nay, ở TP.HCM, các cơ quan báo chí đều có trang/mục giáo dục, thường xuyên đăng tải các ý kiến phản ánh, đề xuất, hiến kế, phản biện… về việc dạy thêm – học thêm, chất lượng bữa ăn trong trường học, chất lượng dạy học…, hay phê phán bạo lực học đường, hiện tượng chạy theo thành tích ảo. Tất cả những điều đó để thúc đẩy ngành giáo dục điều chỉnh, đổi mới để xây dựng môi trường giáo dục tiến bộ, lành mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và các cải cách sâu rộng, vai trò phản biện của báo chí càng trở nên cấp thiết để đảm bảo quá trình cải cách đi đúng hướng, phục vụ lợi ích của người dân và thúc đẩy phát triển xã hội, đất nước. Thời gian qua, vai trò phản biện của báo chí thể hiện qua việc phản ánh các biểu hiện gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT tại một số địa phương. Nhiều tờ báo đã nhanh chóng vào cuộc, đưa tin chi tiết về việc hàng loạt thí sinh đạt điểm cao bất thường, đồng thời chỉ ra những dấu hiệu bất minh trong quá trình chấm thi. Nhờ sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, dư luận xã hội bị khuấy động, thúc đẩy Bộ GD-ĐT phải vào cuộc điều tra. Kết quả là hàng trăm bài thi bị hủy, nhiều cán bộ bị xử lý, từ đó, hệ thống chấm thi được cải tiến, minh bạch hơn. Bên cạnh đó, từ năm 2018, khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện các chính sách giáo dục. Các bài viết trên nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh những khó khăn của giáo viên và học sinh khi áp dụng sách giáo khoa mới, đặc biệt là khối lớp 1. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung sách quá tải, thiếu tính thực tiễn, và giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ; kể cả việc có nhiều bộ sách giáo khoa cũng tạo nên khoảng cách trong tiếp nhận kiến thức và thiếu đồng bộ trong giảng dạy ở các địa phương, trường học. Những bài báo này đã thu hút sự chú ý của dư luận, dẫn đến một số điều chỉnh nội dung sách và tổ chức các khóa tập huấn bổ sung cho giáo viên…
Mặc dù có vai trò quan trọng, báo chí trong lĩnh vực giáo dục vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đôi khi báo chí còn đưa tin thiếu nhạy cảm trên lĩnh vực giáo dục, dẫn đến thông tin sai lệch hoặc không bảo đảm tính định hướng, ảnh hưởng đến tâm trạng và dư luận xã hội. Hay có trường hợp cơ quan báo chí đưa tin thiếu tính khách quan, thậm chí có bài viết bị chi phối bởi lợi ích cục bộ hoặc định kiến cá nhân về một số sự kiện giáo dục. Ngoài ra, khi báo chí đưa tin chưa chuẩn, việc lan truyền thông tin đó trên mạng xã hội, tạo nên những hệ lụy không nhỏ, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến nhiều người, nhất là với học sinh. Ngay cả việc năng lực phản biện không tốt, dẫn đến bài viết không có tính phản biện, thì không những không tác động tích cực đến xã hội mà còn tạo ra hình ảnh sai lệch, méo mó cả trong hoạt động giáo dục lẫn báo chí. Tất cả những điều đó đều đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi báo chí phải nâng cao chất lượng nội dung và uy tín.
Để báo chí phát huy tối đa vai trò phản biện trong lĩnh vực giáo dục, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, tăng cường đào tạo và nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Người làm báo cần được trang bị kiến thức chuyên sâu về giáo dục, thông qua các khóa đào tạo, sự tự tích lũy hoặc học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, cần siết chặt quy định về đạo đức nghề nghiệp, tránh đưa tin thiếu kiểm chứng hoặc cố tình “giật tít câu view”, gây hoang mang dư luận… Thứ hai, ứng dụng công nghệ số trong phản biện. Trong thời đại số, báo chí cần tận dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận công chúng. Các bài viết có thể được kết hợp với video phỏng vấn, infographic hoặc các hình thức khác để tăng tính hấp dẫn. Hơn nữa, việc hợp tác với chuyên gia giáo dục trên các diễn đàn trực tuyến sẽ giúp bài viết có tính thuyết phục và khách quan hơn. Thứ ba, tăng cường hợp tác với cơ quan quản lý. Báo chí nên làm cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, các trường học và xã hội để tạo ra các diễn đàn đối thoại công khai, minh bạch, trách nhiệm. Người làm báo cần lắng nghe nhiều chiều, trong đó chú trọng ghi nhận ý kiến của nhà quản lý, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh…, tránh thông tin một chiều, đơn lẻ, suy diễn. Thứ tư, gắn phản biện xã hội với đề xuất, hiến kế. Thay vì chỉ tập trung vào việc chỉ trích hoặc chỉ ra các điểm chưa tốt, báo chí còn cần đề xuất các giải pháp cụ thể. Ở đây, có sự kết hợp giữa báo chí phản biện và báo chí giải pháp, phát huy tinh thần trách nhiệm cao của người làm báo, thể hiện rõ hơn nữa vai trò của báo chí là một thành tố trong xã hội, vận động cùng xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục, thay vì chỉ đứng bên cạnh hoặc bên trên giáo dục. Thứ năm, không ngừng nâng cao năng lực và bản lĩnh phản biện xã hội của báo chí. Phản biện không phải chỉ nêu lên các điểm hạn chế, tiêu cực mà phải hướng đến mục tiêu tích cực, tiến bộ, tức là góp phần nâng cao hiệu quả của các chủ trương, định hướng, chính sách, giải pháp… Do vậy, người làm báo cần có kiến thức và kỹ năng phản biện để các tác phẩm báo chí của mình thực sự sắc sảo, thuyết phục, phản biện đúng và trúng. Đồng thời, người làm báo không ngừng rèn luyện bản lĩnh để có thể mạnh dạn phản biện với những vấn đề còn chưa tốt, chưa tích cực.
Có thể nói, phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí trong lĩnh vực giáo dục là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một hệ thống giáo dục minh bạch, chất lượng và công bằng. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, báo chí cần vượt qua các thách thức bằng cách nâng cao chất lượng nội dung gắn chặt với năng lực và bản lĩnh của người làm báo. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới một xã hội học tập suốt đời, vai trò của báo chí trong giáo dục sẽ tiếp tục là một động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)