ASEAN đã thông qua và ghi nhận 70 văn kiện, tuyên bố bao trùm 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN; ra tuyên bố chung về kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC)
Tại EAS lần thứ 17 với sự tham gia của lãnh đạo ASEAN và các đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được mời trình bày về hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.
Các lãnh đạo EAS nhấn mạnh cần hoàn tất soạn thảo Kế hoạch hành động EAS giai đoạn tiếp theo 2023-2027, ưu tiên cho các nỗ lực phục hồi, phát triển xanh và bền vững.
Các nước đề cao trách nhiệm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông; kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17. Ảnh: VGP
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần ưu tiên phục hồi kinh tế dựa trên phát triển bền vững, giao thương thông thoáng và bảo đảm các chuỗi cung ứng. Thủ tướng kêu gọi các nước khẩn trương mở cửa thị trường, góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, công bằng và bao trùm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trong khi đó, Đối thoại Toàn cầu ASEAN lần thứ 2 với chủ đề "Phục hồi toàn diện sau COVID-19" có sự tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Viện Nghiên cứu kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA)…
Phát biểu tại đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa tăng trưởng, lạm phát và việc làm; chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định chuỗi cung ứng…
Tại lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia, Tổng thống Joko Widodo thông báo chủ đề của Năm ASEAN 2023 là "ASEAN Tầm vóc – Tâm điểm của tăng trưởng".
Ông Joko Widodo cũng nhấn mạnh một số ưu tiên mà Indonesia sẽ thúc đẩy về xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, củng cố đoàn kết và phát huy vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực và toàn cầu.
Chiều 13-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới thủ đô Hà Nội, kết thúc chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Trong chuyến công tác 6 ngày tại Campuchia, Thủ tướng có lịch trình dày đặc với gần 60 hoạt động song phương, đa phương và hoạt động cộng đồng.
Chuyến công tác thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần thắt chặt tình hữu nghị với bạn bè và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Sớm triển khai ODA thế hệ mới Cùng ngày 13-11, trong cuộc gặp Thủ tướng Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận khoản hỗ trợ 10 tỉ USD mà Thủ tướng Kishida đã cam kết tại Hội nghị COP 26, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ… Thủ tướng Kishida khẳng định sẽ thúc đẩy sớm khoản vay ODA thế hệ mới, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh. Thủ tướng Kishida nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của cả hai nước; thông báo Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam trong tháng 11 này. |
Theo Dương Ngọc/NLĐO
Bình luận (0)