Tình trạng xả rác, phóng uế nơi công cộng tại TP.HCM đã trở thành một “căn bệnh” phổ biến lâu nay. Hành vi phản cảm làm mất mỹ quan đô thị xảy ra tràn lan, việc xử phạt để chấn chỉnh là một yêu cầu cấp bách.
Tiểu tiện phản cảm ngay trong khu vui chơi Công viên Lê Văn Tám, Q.1. Ảnh: Trần Anh |
Cần xử phạt nghiêm minh
Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2. Trong đó, nghị định quy định rõ hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định hay xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất là 3 triệu và 5 triệu đồng. Các mức xử phạt đi kèm được cho là đủ “nặng”, như đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt từ 1-3 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại bị phạt từ 3-5 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5-7 triệu đồng. Đối với các tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng thêm gấp nhiều lần… Sau gần nửa tháng quy định này chính thức có hiệu lực, trên nhiều tuyến đường ở TP, việc vứt rác, phóng uế vẫn còn diễn ra. Theo ghi nhận của chúng tôi vào trưa 9-2, nhiều người vẫn đến tiểu tiện trên đường Trường Sơn (P.15, Q.10). Ở đây, vào giờ nghỉ trưa có không ít tài xế xe ôm, người bán hàng rong đã chọn làm nơi khá lý tưởng để “xả nỗi buồn”.
Trên địa bàn TP hiện nay, hàng ngày, hàng giờ, rác vẫn hiện diện ngay trên nhiều tuyến đường, ngõ hẻm hay dưới những cây cột điện. Thậm chí ngay ở những chung cư mới, khang trang, nhiều người dân thiếu ý thức vẫn vô tư vứt rác không đúng nơi quy định mặc cho tấm biển với nội dung: “Cấm vứt rác, tiểu tiện” được đặt ở vị trí bắt mắt nhất.
Nơi làm tốt, nơi kêu khó
Các quận, huyện tại TP.HCM đang nỗ lực ra quân xử phạt hành vi phóng uế và vứt rác bừa bãi ra môi trường. Bên cạnh sự chuyển biến của một số địa phương thì cũng có nơi kêu khó trong giám sát và xử phạt vì những lý do khách quan.
Q.1 là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kiên quyết xử phạt những trường hợp xả rác, phóng uế không đúng nơi quy định. Sau khi Q.1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm trong vòng 10 ngày phải đến Kho bạc Nhà nước TP nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì Q.1 sẽ gửi thông báo đến chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để đôn đốc, yêu cầu thực hiện. Nếu vẫn chây ì, Q.1 gửi thông báo đến nơi cư trú, đồng thời tiến hành cưỡng chế bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người làm việc có hưởng lương theo quy định.
Ông Phạm Nhất Trí, Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị Q.1 thông tin: “Qua nhiều ngày ra quân xử phạt, tại các tuyến đường, cảnh phóng uế và rác giảm hẳn. Thời gian tới sẽ tăng cường mở rộng tuần tra ở khắp các phường, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… phường, khu phố cùng tham gia”. |
Đại diện UBND P.Bến Nghé (Q.1) cho biết, khi bị nhắc nhở và buộc phải “giải quyết hậu quả”, người vi phạm xấu hổ. Qua theo dõi, hầu hết những cá nhân đó không tái phạm.
Ông Phạm Nhất Trí, Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị Q.1 thông tin: “Qua nhiều ngày ra quân xử phạt, tại các tuyến đường, cảnh phóng uế và rác giảm hẳn. Thời gian tới sẽ tăng cường mở rộng tuần tra ở khắp các phường, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… phường, khu phố cùng tham gia”.
Tại Q.Tân Phú, công tác xử phạt hành vi này cũng đã được đồng loạt triển khai tại các phường. Phó Chủ tịch UBND P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, ông Trần Thới Đông cho biết: “Ngoài lực lượng có sẵn, địa phương còn treo thưởng đối với người dân phát hiện người xả rác. Người dân có thể báo qua điện thoại, tin nhắn hoặc gửi hình ảnh, thông tin trực tiếp tại địa phương, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định”.
Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ đường Tô Hiệu, Q.Tân Phú) chia sẻ, từ ngày lực lượng quản lý trật đô thị “mạnh tay” với hành vi tè bậy và vứt rác không đúng nơi quy định, hình ảnh xấu đã giảm đáng kể. Người dân địa phương có ý thức hơn trong việc tuyên truyền cũng như có hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường sống. “Về đêm vẫn còn tình trạng vứt rác xuống kênh Hiệp Tân, tuy nhiên là do người địa phương khác”, ông Dũng cho biết thêm.
Q.3 và Q.5 là những địa phương tập trung khá đông khách du lịch. Hành vi phản cảm phóng uế và vứt rác do du khách và người của nhà xe thiếu ý thức gây ra khiến bộ mặt của TP xấu đi. Ở một số con hẻm, tình trạng tiểu tiện tại các góc trụ điện, tủ điện vẫn còn, chủ yếu là cánh xe ôm ở nơi khác đến.
Cần lắm ý thức tự giác của người dân
Nhiều người dân nhiệt tình hiến kế Trước thông tin về quy định này, nhiều người dân đồng tình và nhiệt tình hiến kế, trong đó có biện pháp xử lý người xả rác hoặc các hành vi vi phạm khác thông qua hình ảnh người dân cung cấp cho cơ quan chức năng do ông Nguyễn Đức Nam (ở Hà Nội) hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM. Theo đó, ứng dụng (app) sẽ được cài đặt trên điện thoại thông minh cho cả hai hệ điều hành IOS và Android. App có bản đồ chỉ đường trên Google của riêng TP.HCM hoặc kết hợp với các loại bản đồ số. |
Đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chạy qua P.Tân Định, Q.1 những ngày qua vẫn còn tồn tại những hình ảnh phản cảm, nhất là tè bậy. Mặc dù trước đó các quán ăn, quán cà phê trên đường Hoàng Sa đã cam kết không để khách ra kênh phóng uế. Còn tại Q.7, nhiều kênh rạch ô nhiễm nặng bởi rác và nước thải sinh hoạt trực tiếp ra môi trường. Ông Nguyễn Văn Khải, quản lý đô thị quận cho rằng: Do đặc thù kênh rạch, địa bàn rộng mà lực lượng thì mỏng làm không xuể nên tình trạng xả rác làm ô nhiễm môi trường. Để công tác xử phạt theo Nghị định 155 hiệu quả hơn, địa phương cần sự chung tay của người dân. “Ra đường, hầu như ai cũng có điện thoại có chức năng quay phim, chụp hình, hãy cứ gửi về cho địa phương”, ông Khải nói.
Tương tự, Q.Bình Thạnh cũng là địa phương được nhắc đến về tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải không được thu gom xử lý. Hai bên con đường nhỏ dẫn vào khu dân cư Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh tràn ngập rác. Theo người dân địa phương, không chỉ có người thuê trọ trên địa bàn mà có cả các tiểu thương chợ gần đó mang rác ra kênh bỏ. Vì vậy, rất cần sự chung tay của người dân trong việc bảo vệ môi trường…
Từ năm 2005, TP.HCM đã triển khai xử lý quyết liệt nạn xả rác, phóng uế và có một thời gian ngắn những “căn bệnh” này giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau đó, tình trạng này lại tái diễn. Hậu quả là để lại trên vỉa hè, đường phố là những đống rác mất mỹ quan, những vũng nước lênh láng, nồng nặc mùi hôi.
Đầu tháng 2-2017, tín hiệu vui từ các cơ quan chức năng khi biện pháp xử lý vấn nạn này đã được nghiêm túc thực hiện. Bến xe Miền Tây cũng lắp đặt khoảng 50 camera giám sát. Ngoài ra, một tổ nhân viên trực 24/24 giờ để ghi nhận các trường hợp vi phạm. Tại địa bàn Q.1, hằng ngày lực lượng quản lý đô thị thường xuyên tuần tra địa bàn, nếu phát hiện người phóng uế bậy thì lập tức ghi hình để làm bằng chứng xử lý. Với lần vi phạm đầu tiên, mỗi trường hợp bị xử phạt 200 ngàn đồng. Chế tài kèm theo là bắt buộc người vi phạm phải dội nước nơi đã tiểu bậy. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng lên 300 ngàn đồng/lần, theo quy định tại điều 7, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Cuộc chiến với vấn nạn xả rác, phóng uế không đúng nơi quy định vẫn còn dai dẳng, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan chức năng và quan trọng hơn cả là ý thức tự giác của người dân. Đừng để đợt ra quân kiểm tra, xử phạt rầm rộ rồi sau đó, mọi việc lại đâu vào đó…
Trần Anh – Thục Quyên
Bình luận (0)