Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phạt tiền chỉ là phụ, chấn chỉnh mới là chính

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nam, vừa báo cáo với Giám đốc Sở về những sai phạm của Trường Quốc tế Mỹ. Trường Quốc tế Mỹ đã có nhiều sai phạm trong việc tổ chức hoạt động; tùy tiện cắt xén nội dung chương trình, phần dạy, phần không; có môn bỏ hẳn, không dạy, như môn địa lý… Theo ông Nam, với những sai phạm này, nếu xử phạt hành chính “từng món” sai phạm theo quy định, tổng số tiền có thể lên đến 150 triệu. Tuy nhiên, theo thẩm quyền đề nghị xử phạt của Chánh thanh tra Sở, khung tối đa chỉ tới 30 triệu.
Sắp tới, chắc chắn Sở GD-ĐT và UBND TP sẽ có biện pháp xử lý sai phạm của Trường Quốc tế Mỹ. Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh cho rằng hình thức phạt tiền như đề nghị của Thanh tra Sở chỉ là phụ, mục tiêu chính là phải chấn chỉnh hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ và các trường có yếu tố nước ngoài khác trên địa bàn thành phố. Với một sai phạm của Trường Quốc tế Mỹ, lại thêm một bằng chứng nữa cho thấy, với khối trường có yếu tố nước ngoài, dường như thanh tra đến đâu là có sai phạm đến đó.
Để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước phát triển trong thời kỳ mở cửa hội nhập, việc xây dựng và phát triển hệ thống trường quốc tế là phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước, được mọi người ủng hộ. Nhưng hiện có không ít chủ đầu tư đã cố ý hoặc vô tình “phớt lờ” luật và những văn bản dưới luật quy định về tổ chức và hoạt động của loại hình trường này, dẫn đến những sai phạm, cần phải chấn chỉnh.
 Sai phạm khá phổ biến của các trường có yếu tố nước ngoài là cắt xén nội dung chương trình, “xào nấu” lẫn lộn chương trình Việt Nam với chương trình nước ngoài, quảng cáo chiêu sinh sai sự thật, chưa đăng ký nội dung chương trình giảng dạy và chứng chỉ văn bằng với Bộ hoặc Sở GD-ĐT; hoặc đã đăng ký nhưng thực hiện không đúng. Nhiều đơn vị cũng lập lờ lấy tên công ty đặt tên trường; dùng tên các nước như Anh, Mỹ, Úc… hoặc tên vùng lãnh thổ như Bắc hoặc Nam Mỹ… để đặt tên trường cho có vẻ “quốc tế”; có đơn vị chưa có giấy phép hoạt động mà đã chiêu sinh mở lớp; đã là trường “quốc tế” thì phải thuê “thầy ngoại” – nhưng phần lớn chưa đăng ký và chưa có giấy phép dạy học, có khi chỉ là “Tây ba lô” thất nghiệp…
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng phần lớn các trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố hiện tổ chức và hoạt động còn nhiều “lôi thôi”, còn nhiều mảng “đen”sai phạm. Ông yêu cầu Phòng Tổ chức cán bộ, các phòng chuyên môn kết hợp chặt chẽ cùng Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra khối trường này, hình thành báo cáo tổng hợp trình Thường trực UBND TP để có hướng chấn chỉnh, khắc phục.
Không “quơ đũa cả nắm”, thực tế cũng có một số trường quốc tế được tổ chức và hoạt động tốt, có hiệu quả, nhất là các trường do các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thành lập. Nhưng số này vẫn còn ít. Một số không nhỏ chủ đầu tư thành lập trường quốc tế, nhất là các trường “quốc tế dỏm”, chỉ có “mác” và nhắm tới mục tiêu lợi nhuận là chính. Khi quan hệ công tác với chủ đầu tư các trường loại này cần phải có thái độ “lạnh lùng” tỉnh táo, ý kiến nhắc nhở của ông Minh hẳn là phải có lý do.
Long Phụng Sơn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)