Theo tác giả, nếu nghị định đưa vào áp dụng thì vị thế người thầy sẽ càng bị hạ thấp. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 1 tập đọc chữ. Ảnh: N.Trinh
Tôi không biết có ai không phải là giáo viên dạy lớp mà đã được chứng kiến những cảnh tượng như sau không?
Cô giáo lớp 1 vừa lên văn phòng. Một học sinh nam không biết lấy con gián từ đâu ra, quăng vào các bạn. Em cứ nhặt lên rồi quăng tiếp. Cả lớp nhốn nháo, la hét, chạy tán loạn. Tập sách rơi xuống đất, bàn ghế nghiêng ngả. Cô giáo nghe tiếng ồn, quay về lớp. Tiếng cô giáo khuyên ngăn dường như lạc lõng trong tiếng gào thét, tiếng chân chạy, tiếng bàn ghế xê dịch… Cô phải dùng thước đập xuống bàn “ầm, ầm” và kéo học sinh nam nghịch phá ấy vào góc lớp bắt em đứng khoanh tay lại thì lớp học mới ổn định trật tự để rồi cô tiếp tục xử lý sự việc.
Giờ ra chơi, hai học sinh nam lớp 5 xích mích chửi nhau với những lời lẽ rất tục và nhào vào đánh nhau. Bất kể bạn bè khuyên nhủ, cản ngăn, bạn nào vào can đều bị đánh luôn. Thầy giáo đến ngăn, đang hăng máu, hai em bất chấp, vô ý đánh trúng cả thầy. Các em học sinh vây quanh ồ lên: “Nó đánh cả thầy luôn kìa!”. Thầy phải đánh mỗi em một roi. Trận đánh nhau mới dừng lại.
Giờ chơi, một nhóm học sinh nam nữ vào nhà vệ sinh dùng giấy vệ sinh nhúng nước rồi ném nhau. Sợ các em té vì sàn nhà vệ sinh ướt, cô phục vụ la mắng, các em vẫn không nghe lời. Cô nắm tay một học sinh nữ đưa lên văn phòng, em ấy sợ hãi xô cô để bỏ chạy. Cô phục vụ té và em cũng té trầy xước cả tay chân, phải lên phòng y tế chăm sóc vết thương. Phụ huynh em ấy khi rước con, chưa nghe hết câu chuyện đã chửi mắng nhà trường không tiếc lời…
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục của Bộ GD-ĐT dường như chỉ làm cho những ai đang làm nghề dạy học thêm chán ngán. Bởi thực tế, cái gọi là “Tôn sư trọng đạo” ngày nay đã không còn như xưa. Những thầy cô giáo bị cho là xúc phạm nhân phẩm học sinh chỉ là con số rất nhỏ. Theo tôi, các thầy cô ấy đã xử lý không đúng phương pháp sư phạm chứ không phải là cố ý; nhưng vì các phương tiện truyền thông ngày nay, các mạng xã hội đã làm cho những sự việc ấy “bùng nổ” khủng khiếp, nhất là những lời bình luận “đầy ác ý” đã biến các thầy cô thành kẻ “tội đồ” ngang bằng với các tội phạm xã hội. Nghị định xử phạt giáo viên nếu được áp dụng, vị thế người thầy sẽ càng bị hạ thấp. Giáo viên sẽ đến lớp với tâm trạng bất an vì không biết mình sẽ “phạm tội” lúc nào. Cho học sinh đứng, cho học sinh ngậm viết…, hay xử lý như các trường hợp tôi đã nêu trên có bị xem là xúc phạm nhân phẩm học sinh? để rồi bị kỷ luật, bị phạt tiền.
Nhiệm vụ của một người giáo viên không chỉ có dạy học sinh kiến thức mà còn dạy các em những điều hay lẽ phải. Vậy mà mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của thầy cô giáo đều bị mọi người lấy “kính hiển vi” để dò xét, để xử lý, để phạt thì liệu các thầy cô có toàn tâm toàn ý cho học sinh, cho sự nghiệp giáo dục. Tôi e rằng các thầy cô giáo sẽ trở thành những “thợ dạy”. Giảng xong bài học theo đúng phân phối chương trình là xong việc, giáo viên sẽ “mackeno”, không còn quan tâm đến những vấn đề khác của học sinh. Bởi quan tâm dạy bảo học sinh càng nhiều càng dễ vi phạm khi một lúc nào đó thầy cô xử lý không khéo léo.
Hiện tại, giáo viên đã không thể ngẩng cao đầu với các ngành nghề khác về mặt kinh tế, chỉ có chút danh dự làm thầy, làm một nghề cao quý. Mong rằng chút danh đó vẫn còn để những ai đang làm nghề dạy học không phải tủi thân vì sự bạc bẽo của nghề và những ai muốn vào ngành sư phạm không phải chùn bước.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)