Không phải bây giờ mới có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Cũng nội dung này, trước đây đã có Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhưng việc thực hiện nghị định này nhìn chung chỉ dừng ở việc xử phạt các cơ sở giáo dục tư nhân; còn trong các cơ sở giáo dục công lập hình như chỉ vài vụ không đáng kể.
Theo tác giả, giáo viên hiện gặp rất nhiều áp lực nên lãnh đạo ngành giáo dục đừng tạo thêm áp lực nữa. Trong ảnh: Giáo viên trao đổi với học sinh trong một tiết học. Ảnh: N.Trinh
Nay dự thảo nghị định này tăng mức phạt và thêm một số hình thức vi phạm bị phạt. Xét cho cùng cũng vì sự nghiệp giáo dục được xem là cao quý nhất trong các nghề cao quý của nước nhà, và nói chung những người soạn thảo nghị định này cũng có nhiều thiện chí nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc giảm bớt các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục ngày càng tăng thời gian qua. Qua đó giúp nhà giáo phải luôn tăng cường trách nhiệm đối với học sinh và là những tấm gương sư phạm mẫu mực.
1. Tuy nhiên, có thể thấy một số điểm gây băn khoăn, chẳng hạn: Khoản 3. Điều 8: “Phạt giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường” – khoản này mâu thuẫn với những quy định hiện hành như Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 quy định về dạy thêm – học thêm cho phép tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm – học thêm ngoài nhà trường nếu có xin phép. Ngoài ra, hiện nay việc dạy thêm phổ biến ở hình thức kèm cặp nhóm nhỏ 5-10 học sinh. Đâu được kể là tổ chức dạy thêm, chỉ là kèm cặp con em thân hữu tại gia. Ngặt nỗi việc làm này là có thu tiền (!). Khoản 9. Điều 8: “Phạt đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm”, tôi cho rằng điều này khó thực hiện, vì nhà giáo nếu muốn thì sẽ có rất nhiều hình thức để học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện” học thêm mà không cần ép buộc. Mục d. Khoản 1. Điều 7: “Phạt các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục”. Điều này rất mơ hồ. Cần quy định rõ mức độ thực hiện dân chủ trong các cơ sở giáo dục nếu không rất khó đánh giá.
Do đặc thù của hoạt động sư phạm, đa số nhà giáo rất ngại va chạm nên thường im lặng, bỏ qua các sai phạm của các cấp lãnh đạo. Tuy đã thực hiện “hai không” nhiều năm nhưng bệnh thành tích trong ngành giáo dục vẫn như cũ. Vẫn là chỉ tiêu đầu năm học và xét thi đua cuối năm học. Nói về khoản xét thi đua thì quả là đang trở về thời bao cấp vì hình thức xét thi đua của năm 2018 có khác gì năm 1978? Vẫn là xếp hạng từ 1 đến cuối tất cả những người công tác trong nhà trường từ hiệu trưởng đến thầy cô giáo, luôn cả văn thư, y tế, thư viện, bảo vệ, tạp vụ. Vì thế mới có tình trạng bảo vệ xếp hạng cao hơn giáo viên. Do vậy, trong các cơ sở giáo dục công lập có mấy giáo viên “dám” mạnh dạn bảo vệ tính dân chủ trong nhà trường để rồi cuối năm được xếp thi đua thua… tạp vụ. Thôi thì chỉ cần làm việc bình thường, “không nghe – không thấy – không biết” để cuối năm được là lao động tiên tiến, 3 năm lại lên lương.
2. Điều 32: “Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học”. Vậy thế nào là xúc phạm nhân phẩm, danh dự? Xét về ngữ nghĩa thì “rõ như giữa ngọ”, nhưng để hiểu mà áp dụng thì “tối như khuya ba mươi”. Chưa thấy một giải thích cụ thể rõ ràng về ngữ nghĩa của các khái niệm “nhân phẩm, danh dự”. Trong thực tế giảng dạy, nhà giáo gặp rất nhiều tình huống đối mặt với học sinh cá biệt, nếu lớn tiếng hay phạt các em thì với phụ huynh “cá biệt” rất có khả năng sẽ vu cho giáo viên xâm phạm đến danh dự của con em mình.
Phải là người trong ngành giáo dục nhiều năm mới thấy rằng hiện nay khẩu hiệu “Tôn sư trọng đạo” hình như đã trở nên xa xỉ (thậm chí khôi hài) trong mắt rất nhiều học sinh do nhiều em được gia đình cưng chiều từ nhỏ, bản thân các em chưa hề được dạy biết lỗi và nhận lỗi nên việc vào lớp khi phạm lỗi và được giáo viên nhắc nhở (lưu ý là chỉ nhắc nhở), rất nhiều em thường có phản ứng hất mặt, liệng viết, quăng tập, giậm chân, thách thức giáo viên… Điều đó dễ gây cho giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ, chưa có bản lĩnh quản lý cảm xúc, không kiềm chế được. Đối với thầy cô lớn tuổi nếu vẫn giữ những ứng xử của người thầy truyền thống, thì mâu thuẫn chắc chắn sẽ xảy ra trong lớp học. Nếu quát nạt học sinh thì (như đã nói ở trên) các “ông trời con” này thừa khả năng để đổ cho là giáo viên xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Vậy là Điều 32 (phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng) được thi hành. Tội cho nhà giáo vừa bị phạt tiền vừa mất danh dự. Với những thầy cô có lương tâm chức nghiệp thì nghiệp dĩ đến đây là dứt, nói gì đến chuyện trở lại trường cầm phấn.
Biện pháp giáo dục học sinh cá biệt bây giờ quanh đi quẩn lại là nhắc nhở, phê bình trước lớp, ghi tên vào sổ đầu bài, mời phụ huynh, cảnh cáo trước cờ. Những “thuốc” này thật sự chưa trị được các biểu hiện lệch lạc trong hành vi, nhận thức của học sinh. Thậm chí có những học sinh khi nghe phòng giám thị mời là tự động rứt ngang giữa tập một tờ giấy đôi, thản nhiên buông câu: “Tự kiểm rồi!”. Rất vô cảm và thách thức! Tình trạng “lờn thuốc” xảy ra và nền nếp học sinh tuột dốc khiến lòng người thêm ca thán, nhức nhối. Nay thêm với Điều 32 này chắc rằng nhiều thầy cô sẽ “co mình”, chùn chân trước nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh, đành dặn lòng “mackeno” khi thấy những sai trái, lệch lạc trong nhân cách học sinh.
3. Vậy dự thảo có bảo vệ nhà giáo không? Có chứ! Điều 29: “Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục” (với 108 từ), quy định phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và buộc xin lỗi công khai. Chỉ có 30 triệu đồng là có thể đổi được vết thương trong tâm hồn và thân thể của người thầy (?!). Thương thay! Ngoài ra, hiện nay nhiều hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội rất khó xử lý. Có lẽ cần phải chi tiết hơn về các hành vi xúc phạm nhà giáo trong nghị định này.
Nói chung việc hành chính hóa các mối quan hệ trong giáo dục cần phải được cân nhắc thật chu đáo. Do là mối quan hệ nặng về đạo đức và tính gương mẫu nên việc tiền tệ hóa xử phạt một cách cứng nhắc như vậy, tôi cho rằng chưa thật thuyết phục. Cụ thể là việc xử phạt theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 đã rất hạn chế.
Cần xác định “pháp trị” là gốc, đóng vai trò quyết định Theo tôi, với tình trạng đạo đức đang có biểu hiện xuống cấp ở một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay, đặc biệt đối với những trường hợp quá đáng, hãy mạnh dạn cho nhà giáo và nhà trường có một số hình thức kỷ luật đủ mạnh và hợp lý (nhất là khi thực hiện người thầy không bị phạt) để chế tài những hành vi lệch chuẩn đạo đức của các em, chứ không thể bằng hình thức “hạ hạnh kiểm”, động viên suông như hiện nay. Cần xác định “pháp trị” là gốc, đóng vai trò quyết định, “đức trị” chỉ là biện pháp hỗ trợ quan trọng. Khi các hành vi của học sinh đi quá mức, đối tượng cần giáo dục là chính những học sinh ấy, chúng ta cần thiết phải nghĩ cách xử lý, răn đe đến nơi, đến chốn; có thể phải cho các học sinh này chịu trách nhiệm về hành vi của mình (đây là ý thức công dân)… Cố PGS. Văn Như Cương từng nói: “Nhân đạo với 1-2 học sinh hư là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại”… |
Hiện nay trong giáo dục có rất nhiều bất cập và lạc hậu. Xin đơn cử trường hợp: Theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có Điều 41: Các hành vi học sinh không được làm, trong đó mục 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. Nghĩa là các nhà biên soạn điều lệ đã lường trước trường hợp “học sinh xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường”, và đã có Điều 42. Khen thưởng và kỷ luật có khoản 2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức có mục d. Buộc thôi học có thời hạn – nghĩa là được phép. Tuy nhiên, khi nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật này thì gặp phải phản ứng không hề nhỏ từ dư luận, cho đây là hành vi thiếu nhân văn. Thực trạng giáo dục hiện nay cho thấy rõ sự bất lực của ngành trong thực hiện sứ mệnh giáo dục toàn diện. Điều luật có nhưng dễ gì thi hành.
Giáo viên hiện đã gặp rất nhiều áp lực, như liên tục có sự thay đổi về phương pháp dạy và học, đổi mới thi cử; phụ huynh quyết con em mình phải là thần đồng, nhà trường phải “đối phó” với danh hiệu thi đua, một bộ phận dư luận xã hội nhìn nhà giáo với không ít ác cảm… Vì vậy, tôi kính đề nghị ngành chủ quản hãy “cởi trói” và đừng tạo nên áp lực. Xin hãy cho người thầy được chuyên tâm làm thầy.
Trần Đăng Huy
(Trường THCS Đoàn Thị Điểm,
Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Bình luận (0)