Sáng 16-8, Hội Âm nhạc TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Âm nhạc thiếu nhi ở TP.HCM” năm 2024.
Hội thảo khởi đầu cho chuỗi hoạt động “Ngày hội âm nhạc TP.HCM” lần 1 năm 2024 nhằm chào mừng Ngày âm nhạc Việt Nam (3-9).
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, kể từ khi nền âm nhạc mới Việt Nam (tân nhạc) được hình thành, những ca khúc thiếu nhi đầu tiên đã được sáng tác.
Đó là những ca khúc: “Bài hát thiếu sinh” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước; “Vui ca lên” của Hoàng Quý; “Con voi”, “Thằng Bờm”, “Con cò” của Nguyễn Xuân Khoát; “Thằng Cuội”, “Ông Ninh Ông Nang” của Lê Thương; “Con mèo trèo cây cau” của Lê Yên…
PGS.TS Mỹ Liêm khẳng định: “Âm nhạc thiếu nhi tiếp tục là một trong những thể loại đóng góp cho nền âm nhạc mới Việt Nam. Đồng thời, âm nhạc cũng là phương tiện giáo dục nhân cách, con người cho những thế hệ tương lai của đất nước”.
TP.HCM là nơi hội tụ và lan tỏa về nhiều mặt trong đó có hoạt động âm nhạc sôi nổi nhất nước. TP cũng là nơi cho ra đời nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, có nhiều hoạt động âm nhạc dành cho thiếu nhi, nhiều trung tâm dạy nhạc cho thiếu nhi, nơi sản xuất – có nhiều sản phẩm âm nhạc thiếu nhi được công bố, lưu hành… nhất Việt Nam.
“Âm nhạc thiếu nhi luôn là quan tâm của Hội Âm nhạc TP.HCM, của các nhạc sĩ sáng tác, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các nhà sản xuất chương trình âm nhạc thiếu nhi”, PGS.TS Mỹ Liêm chia sẻ.
Để tìm ra hướng phát triển âm nhạc thiếu nhi trong thời gian tới, Hội thảo khoa học “Âm nhạc thiếu nhi ở TP.HCM” tập trung thảo luận nhiều nội dung.
Nhận diện giá trị trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi – giá trị nhận thức, giáo dục, văn hóa, giải trí và nghệ thuật (giai điệu, tiết tấu, ca từ…).
Thực trạng hoạt động biểu diễn âm nhạc dành cho thiếu nhi trên cả nước, đặc biệt ở TP.HCM; hoạt động tổ chức biểu diễn trên các phương diện: Hệ thống truyền thông đại chúng, các trung tâm văn hóa, các nhà thiếu nhi, khu vực giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về những tác động của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với âm nhạc dành cho thiếu nhi.
Những kinh nghiệm tổ chức chương trình biểu diễn âm nhạc thiếu nhi trên thế giới; xu hướng tiếp thu, biến đổi văn hóa âm nhạc trong các lĩnh vực giáo dục, giải trí âm nhạc dành cho thiếu nhi trong đời sống đương đại.
Đưa ra những giải pháp về sáng tác, tổ chức biểu diễn, giáo dục và đào tạo âm nhạc đối với đối tượng thiếu nhi trong thực tiễn hiện nay hướng đến sự phát triển bền vững và công nghiệp hóa âm nhạc tại TP.HCM.
Tại hội thảo, nhiều tham luận cũng được trình bày đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc thiếu nhi TP.HCM.
“Ngày hội âm nhạc TP.HCM” lần 1 năm 2024 diễn ra từ 16-8 đến 3-9 với một chuỗi hoạt động như: Biểu diễn chương trình chào mừng “Trà Vinh đất ấm tình người” tại tỉnh Trà Vinh; chương trình “Âm vang mùa thu” tại TP.Thủ Đức; biểu diễn “Nhạc kèn thiếu nhi nghệ thuật” tại Nhà Thiếu nhi Thành phố.
Ngoài ra, Hội Âm nhạc TP.HCM còn phối hợp tổ chức biểu diễn giao lưu với sinh viên “Bài ca kết đoàn” tại Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM; “chương trình Mùa thu mãi mãi” tại Nhà hát TP; chương trình “Nối rộng vòng tay” tại Sân khấu Hoa Gỗ tỉnh Tây Ninh… Ngày 3-9-1960, Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài “Kết đoàn” chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đại hội Đảng lần 3 tại vườn Bách Thảo, Hà Nội. Với ý nghĩa đó, từ 2010 ngày 3-9 được chọn làm “Ngày âm nhạc Việt Nam”. Đây là ngày hội của giới âm nhạc Việt Nam trên các lĩnh vực: Sáng tác, biểu diễn, lý luận, đào tạo và công chúng yêu nhạc của cả nước. |
Hồ Trinh
Bình luận (0)