Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phát triển cánh đồng liên kết: Doanh nghiệp phải là “nhạc trưởng”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 31-3, tại Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo bàn về việc triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”. Nhiều ý kiến nhìn nhận, mô hình cánh đồng liên kết (CĐLK) là hướng đi đúng để phát triển nền nông nghiệp bền vững gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Song, việc nhân rộng mô hình này còn gặp nhiều trục trặc cần nhanh chóng tháo gỡ…

Định hướng đúng, nhưng nhiều trở ngại

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL thời gian qua triển khai khá tốt mô hình CĐLK. Qua đó nhiều nơi đã thay đổi từ cách sản xuất tự phát, manh mún sang sản xuất tập trung có gắn kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Chỉ tính riêng vụ lúa đông xuân 2013 – 2014, diện tích sản xuất theo mô hình CĐLK lên đến khoảng 100.000ha, trong đó các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tham gia bao tiêu hơn 54.232ha với các loại giống chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho hay, thống kê từ thực tế cho thấy những nông dân tham gia mô hình CĐLK đạt năng suất 8 – 8,5 tấn/ha (vụ đông xuân). Dù giá lúa lên xuống thất thường nhưng bà con sản xuất theo mô hình này vẫn đạt lợi nhuận cao hơn 2 – 4 triệu đồng/ha so với bên ngoài, bởi giảm được chi phí đầu tư, chất lượng sản phẩm tăng và đảm bảo đầu ra nhờ ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng, mô hình CĐLK là hướng đi đúng để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và nhân rộng đã gặp không ít khó khăn. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trăn trở: “Lâu nay chúng ta cứ loay hoay sản xuất theo kiểu ai thích giống gì thì trồng giống ấy, còn bán ở đâu, cho ai, giá bao nhiêu… thì mù tịt. Từ khi ra đời, mô hình CĐLK đã khắc phục được yếu kém trên. Song, khi triển khai đại trà thì bị vướng bởi một số nơi doanh nghiệp chưa mặn tham gia”.

Doanh nghiệp phải là “nhạc trưởng” trong mô hình liên kết sản xuất. Ảnh: HUỲNH LỢI

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp An Lộc, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), bức xúc: “Vụ đông xuân này, nông dân của HTX ký hợp đồng với Công ty Docimexco bao tiêu 200ha lúa theo giá thị trường. Vậy mà tới ngày thu hoạch thì Docimexco lại mua thấp hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg khiến nông dân bất bình. Trong khi HTX cũng gặp khó vì không biết ăn nói sao với bà con”. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa đông xuân 2013 – 2014 trên diện tích hơn 16.709ha. Thế nhưng, việc thực hiện hợp đồng xảy ra những trục trặc bởi ảnh hưởng giá lúa giảm, thị trường xuất khẩu gạo ì ạch, doanh nghiệp chưa tìm được đối tác bán gạo nên hạn chế mua vào. Từ đó xảy ra tình trạng nhiều diện tích lúa tới kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không thu mua kịp thời, làm nông dân bức xúc. Cùng chia sẻ về những khó khăn của CĐLK, lãnh đạo Sở NN-PTNT Tiền Giang đề xuất: “Trong quy hoạch CĐLK cần giao việc cụ thể như: các ngành trung ương làm việc gì; tỉnh, huyện làm gì; doanh nghiệp và nông dân có vai trò ra sao khi tham gia? Quyền lợi và nghĩa vụ phải rõ ràng nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, cũng như có biện pháp xử lý nếu đối tác nào không thực hiện đúng cam kết hợp đồng”.

Cơ chế hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Vấn đề hợp đồng, giá cả tiêu thụ và quy định về tiêu chuẩn sản phẩm… đang là những trở ngại cơ bản của CĐLK hiện nay. Song, quan điểm của Đồng Tháp là chỗ nào vướng sẽ tìm cách tháo gỡ ngay để phát triển mô hình này, bởi đây là hướng đi bền vững”. Sở NN-PTNT Cà Mau nêu ý kiến, ngoài lúa gạo thì nên xem xét mở rộng mô hình CĐLK mạnh hơn đối với sản phẩm thủy sản. Chỉ riêng Cà Mau đã có hơn 265.000ha tôm nuôi và nông dân rất cần sự liên kết để an tâm sản xuất, tránh tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu và giá cả lên xuống thất thường, mà phần chịu thiệt luôn thuộc về nông dân.

Có thể nói, câu chuyện liên kết đã được bàn thảo từ nhiều năm qua nhưng tới nay việc triển khai vẫn gặp trở ngại. Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, lưu ý: “Chúng ta đang ở giai đoạn khủng hoảng thừa nguyên liệu mà lúa gạo là một điển hình. Do đó, tới đây khi phát triển CĐLK cần chuyển từ số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, để tăng sức cạnh tranh. Cách làm thời gian qua còn lộn xộn quá”. Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân cho rằng, sự phát triển của CĐLK còn chậm, chưa như mong muốn đặt ra. Để mô hình này hoạt động ổn định thì bản thân doanh nghiệp phải “đặt hàng” nông dân, doanh nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo làm đầu mối trong liên kết, ký hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp, chính quyền… sẽ tham gia theo trách nhiệm của mình.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, dẫn chứng từ thực tế ở địa phương mình: “Phát triển CĐLK ở Long An chậm mà chắc, khi có doanh nghiệp tham gia cùng nông dân thì mới xác định đó là CĐLK. Vì vậy, toàn tỉnh chỉ mới phát triển 9.300ha lúa đông xuân theo CĐLK, có 19 doanh nghiệp bao tiêu với giá thu mua lúa cho dân cao hơn 150 – 200 đồng/kg so giá thị trường. Doanh nghiệp chính là “nhạc trưởng” ký hợp đồng với nông dân và cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sau đó là thu hoạch. Cách làm này nông dân rất an tâm vì không phải vất vả vay tiền mua vật tư, chưa kể mua nhầm phân bón, thuốc trừ sâu giả… còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao. Vấn đề là để các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia thì phải có chính sách hỗ trợ, nhất là vốn”.

Nhiều ý kiến đồng tình và đề xuất các bộ ngành Trung ương xem xét, khi phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm nên ưu tiên cho những doanh nghiệp làm tốt mô hình CĐLK. Doanh nghiệp nào bao tiêu diện tích nhiều thì xem xét giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo nhiều, khi có cơ chế hỗ trợ vốn cũng ưu tiên là cho họ; những doanh nghiệp ít tham gia hoặc không chịu bao tiêu CĐLK thì giao chỉ tiêu ít hoặc không giao… Phải có những biện pháp chế tài như vậy mới kích thích được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào CĐLK.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngay trong vụ hè thu 2014 sẽ triển khai thực hiện đăng ký với VFA về việc bao tiêu sản phẩm trong mô hình CĐLK. Bộ NN-PTNT giao Cục Trồng trọt làm đầu mối để các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng phát triển CĐLK bài bản, bền vững…

HUỲNH LỢI – ĐĂNG NGUYÊN

(SGGP)

Bình luận (0)