TP.HCM đặt mục tiêu đóng góp của kinh tế số vào phát triển của thành phố với hai chỉ số, gồm: Năm 2025, đóng góp 25% vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và 40% vào năm 2030.
Xây dựng chính quyền số để giúp cho doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo, cải thiện dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp
Bà Võ Thị Trung Trinh (Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM) cho biết, căn cứ chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, TP.HCM phát triển CĐS dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số lĩnh vực trọng tâm
Chương trình CĐS của TP.HCM với khát vọng thành phố sẽ đi đầu trong triển khai chương trình này. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh và đặc biệt là sẽ thay đổi toàn diện hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với chỉ tiêu này, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ đạt được đóng góp của kinh tế số vào phát triển của thành phố với hai chỉ số. Cụ thể, năm 2025 đóng góp 25% vào GRDP và 40% vào năm 2030. Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng CĐS thành công hay không là do con người, do đó nâng cao nhận thức và năng lực là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, hợp tác thúc đẩy CĐS hòa vào nhịp phát triển CĐS trong khu vực; phát triển nền tảng số, hạ tầng số, bởi đây là một nền tảng rất quan trọng đảm bảo các nội dung sẽ thực hiện, nền móng vững chắc cho CĐS, đồng thời thúc đẩy CĐS của thành phố; xây dựng chính quyền số để giúp cho doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo, cải thiện dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.
Quá trình thực hiện CĐS, thành phố đã có những kết quả bước đầu, đến thời điểm này đã cung cấp được cổng dữ liệu từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Trên cơ sở đó, thành phố mở rộng chia sẻ dữ liệu này cho doanh nghiệp và người dân. Thành lập kênh giao tiếp hữu ích giữa người dân và doanh nghiệp, phản ánh chất lượng cung cấp dịch vụ công thông qua cổng 1022, qua đó nắm bắt được nhu cầu, phản ánh của người dân. Cuối tháng 10 qua, TP.HCM ra mắt hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Đây là một hệ thống thống nhất toàn thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như hệ thống một cửa điện tử của thành phố, kết nối với hệ thống dịch vụ công quốc gia cũng như toàn bộ hệ thống của các ứng dụng tại TP.HCM. Cũng trong thời gian này, TP.HCM sẽ ban hành chiến lược dữ liệu cho mục tiêu phát triển của thành phố có sự điều chỉnh từ những hạn chế trong thời gian phòng chống dịch, định hình rất rõ cho từng lĩnh vực. Theo đó, giai đoạn 2023-2025 tạo lập nền tảng dữ liệu vững chắc, chọn một số lĩnh vực trọng tâm để thực hiện. Như CĐS trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và lĩnh vực bảo trợ xã hội nhằm tăng cường khả năng chống chịu của thành phố khi có thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, tập trung cho lĩnh vực giáo dục, nâng cao năng lực số cho người dân… “Nếu không kết hợp ứng dụng công nghệ, giải pháp quản lý và thay đổi cung cách phục vụ thì số hóa vẫn là số hóa, còn khoảng cách với dữ liệu số. Vì thế, thành phố hướng đến số hóa và thực hiện hiệu quả dữ liệu số. Đây là một thách thức lớn không chỉ riêng Việt Nam mà còn ở các nước khi bắt đầu thực hiện CĐS cũng gặp khó khăn giữa số hóa và dữ liệu số. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố có tỷ lệ cao, do đó thành phố hướng đến thành lập trung tâm CĐS nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện CĐS, để doanh nghiệp thực hiện trải nghiệm CĐS dễ dàng, thuận lợi nhất; từ đó hướng đến phát triển kinh tế số”, bà Võ Thị Trung Trinh thông tin.
Cơ hội và thách thức
TS.BS Nguyễn Anh Dũng (Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) khẳng định vai trò CĐS thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19. Thời điểm đó, cơ sở dữ liệu, công cụ để quản lý người bệnh đạt hiệu quả chăm sóc và điều trị thật sự khó khăn. Công nghệ số cho thấy nguồn lực của ngành y tế giai đoạn đại dịch để điều phối xe, giường bệnh, thuốc, ôxy… Nền tảng số để khai báo y tế, quản lý người bệnh, tiêm vaccine… Quản lý F0, tiến tới người mắc bệnh tự khai báo, từ đó có thể phân loại bệnh nặng, nhẹ để điều trị tại nhà. Ngoài phòng chống dịch, CĐS trong y tế giúp công nghệ chăm sóc được nâng cao, hỗ trợ y tế từ xa; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm thông minh chẩn đoán điều trị như phẫu thuật robot; AI trong chẩn đoán huyết khối cho người tai biến, chọn phác đồ phù hợp, xạ trị… CĐS tạo dịch vụ tiện ích, giảm chờ đợi, tăng hài lòng đối với người dân.
“Chuyển đổi số không bắt đầu từ công nghệ mà bắt đầu từ tư duy. Vì vậy cần thay đổi toàn bộ cách làm việc với sự trợ giúp của công nghệ, từ đó phát huy lợi thế và tạo nhiều giá trị mới”, TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM) nói. |
Tuy nhiên, trong thực hiện CĐS ngành y tế cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, các cơ sở khám chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin từ lâu đã lạc hậu, phần mềm theo chuẩn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển CĐS của ngành. Thêm nữa là khó khăn về kết nối dữ liệu, nguồn lực con người (nhân sự IT) chưa đầy đủ… “CĐS mang lại vô vàn lợi ích, tuy nhiên để hòa với câu chuyện CĐS của các cơ sở y tế, người dân thì cần nâng cao nhận thức; hoàn thiện khung pháp lý về hồ sơ số, về tính bảo mật…; dữ liệu và dữ liệu lớn của ngành phải hoàn thiện, có công cụ, có trợ lý ảo để khai thác, cá thể hóa trong chăm sóc và điều trị. Ngành y tế TP.HCM cũng đã xây dựng lộ trình CĐS của ngành: Đến 2025 làm cho được hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai bệnh án điện tử đối với y tế cơ sở; áp dụng CĐS để quản lý, phát hiện và phòng ngừa bệnh tật, từ đó can thiệp, dự báo và cảnh báo bệnh tật; hệ thống điều phối số, thông minh để cấp cứu CĐS thật sự; kho dữ liệu tập trung, liên thông cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh…”, TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Trước những khó khăn mà các đơn vị, doanh nghiệp gặp phải trong thực hiện CĐS, ở góc độ quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM) chia sẻ, UBND TP đã ban hành kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, trong đó câu chuyện CĐS cũng bao trùm.
Ông Dũng nêu quan điểm, CĐS không bắt đầu từ công nghệ mà bắt đầu từ tư duy. Vì vậy cần thay đổi toàn bộ cách làm việc với sự trợ giúp của công nghệ, từ đó phát huy lợi thế và tạo nhiều giá trị mới. TP.HCM cũng đặt mối quan hệ hợp tác với Phần Lan, qua đó kết nối, chia sẻ kinh nghiệm CĐS. Phần Lan là một trong những quốc gia thường xuyên xếp hàng đầu trong chỉ số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu, có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực CĐS. “Từ kinh nghiệm CĐS của Phần Lan, TP.HCM cần lắng nghe, chia sẻ mong muốn cũng như lộ trình CĐS của các đơn vị, doanh nghiệp. Hiện thành phố có nhiều chính sách để hỗ trợ CĐS. Khu vực công, tư và đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng nhau thiết kế giải pháp mới, nhanh chóng đi vào triển khai, thử nghiệm, sau đó triển khai rộng rãi”, ông Dũng kỳ vọng.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)