Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phát triển công nghiệp phần mềm: Chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật để đón đầu tư nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay, toàn bộ khu triển lãm hội chợ hoang phế có diện tích hơn 40ha tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM đã được chuyển hóa thành Công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) – một cứ điểm quan trọng của công nghiệp phần mềm cả nước. Tại đây hiện có hơn 9.000 người học tập, 104 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 54 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhìn trên bình diện cả nước, mặc dù đã đặt nhiều quyết tâm, có nhiều chính sách ưu đãi, thế nhưng thực tế phát triển ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) Việt Nam đã không được như mong muốn. Doanh số cả ngành mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD/năm. Nhân sinh nhật lần thứ 8 của CVPMQT, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát triển CVPMQT, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM xung quanh vấn đề này.

– Qua thực tiễn 8 năm hoạt động, ông có thể nêu ra các điểm yếu cần khắc phục ở CVPMQT?

Ông CHU TIẾN DŨNG: Điểm yếu đầu tiên là tỷ lệ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) còn rất thấp. Lâu nay, hoạt động R&D tại CVPMQT chủ yếu là tự phát từ các doanh nghiệp phần mềm (DNPM), chưa có sự định hướng hay đầu tư trọng điểm từ nhà nước.

Thứ hai, là doanh thu của các DNPM ở CVPMQT còn khá thấp, bởi hầu hết là các doanh nghiệp mới, quy mô ban đầu còn rất nhỏ.

Thứ ba là sự liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp ở CVPMQT còn rất hạn chế, lẽ ra đây phải là thế mạnh khi họ làm việc bên cạnh nhau.

– Bước vào năm thứ 9 – năm 2009, CVPMQT sẽ có những gì mới, thưa ông?

Các chuyên viên phần mềm đang làm việc tại Công ty Global Cyberslft trong Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: L.H.L.

Năm 2009, CVPMQT tiếp tục được đầu tư xây dựng tiềm lực cơ sở vật chất để sẵn sàng đón nhận các doanh nghiệp có quy mô lớn. Phấn đấu đến 2010 có 2 DNPM trên 1.000 người, thêm một số DN trên 100 người. Doanh thu đạt 70-100 triệu USD.

– Trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, nhiều DNPM đang gặp khó khăn do các đối tác cắt giảm các hợp đồng. Để có thể vượt qua khó khăn này, CVPMQT có kiến nghị cụ thể gì về cơ chế, chính sách?

Có thể thấy, năm 2009, khả năng thu hút các dự án mới của các DNPM gặp khó khăn hơn các năm trước rất nhiều. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của CVPMQT.

Trước tình hình này, chúng tôi đã có một số kiến nghị: Thành phố chỉ đạo phát triển nhanh các tuyến giao thông từ trung tâm thành phố đến khu CVPMQT, hoàn thành các tuyến đường hạ tầng xung quanh CVPMQT; đề nghị Bộ tài Chính xem xét bổ sung nội dung ưu đãi thuế cho các khu công nghệ thông tin tập trung; Đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông xem xét sớm công nhận bằng văn bản CVPMQT là khu công nghệ thông tin tập trung…

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ xem xét dùng một phần ngân sách trong gói kích cầu của Chính phủ để hỗ trợ cho các DNPM tăng lợi thế cạnh tranh trong đàm phán và giữ được các hợp đồng.

– Số DNPM ở nước ta hiện còn ít và quy mô còn nhỏ, như vậy khi có nhiều khu phần mềm tập trung ra đời thì liệu có đủ số DNPM để bước vào hoạt động không, thưa ông?

Trước tiên, cả nước có nhiều khu phần mềm là một tin vui cho ngành CNPM Việt Nam, bởi vì nếu chỉ có một mình CVPMQT thành công thôi thì CNPM Việt Nam quả là còn rất nhỏ bé.

Nếu như những khu phần mềm mới này được xây dựng và thực hiện được những gì trong kế hoạch mà các khu này đề ra thì dứt khoát Việt Nam ta sẽ sớm trở thành cường quốc về ngành CNPM, thực sự sánh vai với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc,…

Quan điểm của CVPMQT hiện nay là sẵn sàng hợp tác cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau vận động thu hút đầu tư vào ngành CNPM Việt Nam, vì sự lớn mạnh của ngành công nghiệp tiềm năng nhưng đầy khó khăn thử thách này.

– Đến nay, tên tuổi VN trên bản đồ CNPM thế giới còn rất mờ nhạt, doanh thu ngành CNPM Việt Nam còn thấp. Là một người có nhiều năm lăn lộn trong ngành CNPM ở Việt Nam và có nhiều nghiên cứu, khảo sát về tình hình CNPM thế giới, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi xin đưa ra một trường hợp: Đan Mạch một quốc gia chỉ có khoảng 5,4 triệu dân, ít hơn dân số TPHCM, vậy mà có tới trên 300.000 doanh nghiệp. Riêng doanh số ngành Công nghệ thông tin của Đan Mạch năm 2008 đạt đến 35 tỷ USD.

Nhân lực công nghệ thông tin của Đan Mạch rất ít, vậy sao họ lại đạt được doanh thu cao như vậy? Các doanh nghiệp CNTT ở Đan Mạch đã trả lời cho chúng tôi rằng các quốc gia khác chính là công xưởng của họ. Họ đã đã thực hiện gia công tại nhiều nước như Ấn Độ, Trung quốc, Pakistan, Bắc Mỹ…

Câu hỏi đặt ra với chúng ta là liệu Việt Nam có thể trở thành đối tác CNPM của các nước được không? Theo tôi, ngành CNPM Việt Nam hiện tại tuy còn rất nhỏ bé, nhưng đang chứa đựng những cơ hội phát triển tốt. Biểu hiện là các công ty, tập đoàn lớn về CNTT và Công nghệ cao đang rất quan tâm đến Việt Nam.

Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh tốt để đón nhận làn sóng đầu tư của nước ngoài đang đến rất gần.

– Xin cảm ơn ông.

KHẮC VĂN (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)