Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kỷ nguyên số hiện nay, công nghiệp văn hóa sáng tạo ở VN có nhiều thay đổi. Ca sĩ đã có thể sống bằng nhạc chứ không bằng… quảng cáo như trước.

Tại Hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo VN trong kỷ nguyên số (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 23.8 ở Hà Nội), ông Trần Thăng Long (Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music VN) mở đầu câu chuyện sản xuất âm nhạc tại VN bằng giá MV. Theo đó, nhiều nhà sản xuất nước ngoài vô cùng ngạc nhiên khi biết giá thành sản xuất MV của ca sĩ VN thường khoảng 1 – 2 tỉ đồng/MV hồi năm 2019. Họ đều ngỡ ngàng vì ngay cả một nước công nghiệp âm nhạc phát triển như Thái Lan, họ cũng chỉ làm MV ở mức 300 triệu đồng.

"Họ thắc mắc là với giá MV như vậy, VN phải là thị trường âm nhạc phát triển nhất Đông Nam Á chứ. Nhưng không, chúng ta luôn ở nhóm dưới", ông Long nói.

Cũng theo ông Long, câu hỏi tiếp theo là vì sao thị trường VN bé như vậy, mà ca sĩ lại đầu tư lớn như thế? "Câu trả lời là tuy chúng ta có thị trường âm nhạc nhưng ca sĩ VN lại không sống bằng âm nhạc. Ca sĩ VN sống bằng hợp đồng quảng cáo. Vào thời điểm đó, âm nhạc được xem như một nội dung thời thượng như mọi nội dung khác. Do đó, họ mới đầu tư nhiều đến vậy cho MV, họ phải chắt chiu để ra MV triệu view. Cũng vì thế, ca sĩ không đầu tư vào album, vào các dự án có tính thể nghiệm hơn và cũng rủi ro hơn", ông Long nói.

Phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Phần lớn bối cảnh phim Giấc mơ của mẹ quay tại phim trường của nhà sản xuất Đỗ Quang Minh. Ảnh: VIEON

Tuy nhiên, ông Long cho biết bây giờ mọi chuyện đã thay đổi. Chúng ta đã có nhiều MV có âm nhạc tiệm cận hơn so với khu vực. Các MV cũng không cần cháy nổ, hay bối cảnh cổ trang… mà rất tập trung vào không gian âm nhạc. "Có được điều đó là do ca sĩ giờ thu nhập đã rất tốt. Ước tính doanh thu nhạc số giờ gấp đôi so với năm 2019. Đấy là tiến bộ đáng mừng", ông Long chia sẻ.

Ông cũng cho biết chúng ta đã có những nghệ sĩ xuất hiện ở nước ngoài, xuất hiện trên bảng quảng cáo ở Thái Lan… Thông qua TikTok, nghệ sĩ đó không chỉ thành công ở thị trường Thái Lan mà cũng thành công ở VN. Với các nền tảng giao lưu như thế, "bạn không cần phải đầu tư những MV siêu đắt nữa, mà âm nhạc của bạn sẽ được lắng nghe ở mọi nơi", theo ông.

Ông Trần Thăng Long cũng chia sẻ phương châm của Universal Music: "Chúng tôi tìm xem ở VN khán giả thích nghe âm nhạc quốc tế gì, ngược lại chúng tôi cũng phải biết cách đưa nghệ sĩ mang dấu ấn VN ra thế giới. Có những tác phẩm không quá nổi tiếng ở thế giới nhưng lại rất nổi tiếng ở VN. Và thị trường VN còn có tiềm năng phát triển gấp 10 lần bây giờ. Universal cũng đưa nghệ sĩ Việt phát hành chung một hệ thống với Taylor Swift, Justin Bieber…". Điều này hứa hẹn cơ hội cho nghệ sĩ quốc tế tới VN, cũng như ca sĩ VN ra nước ngoài.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, chia sẻ kinh nghiệm cho thấy trước đây, lượng người vào bảo tàng rất ít, chủ yếu là khách nước ngoài. Bảo tàng sau đó đã thực hiện liên kết công-tư với một công ty công nghệ, để áp dụng hệ thống thuyết minh đa phương tiện với 8 ngôn ngữ. "Chúng tôi lưu giữ nhiều bảo vật nhưng không được quan tâm. Khi liên kết với đối tác công nghệ, chúng tôi góp tài nguyên di sản, họ góp công nghệ. Rồi thuyết minh đa phương tiện 8 ngôn ngữ ra đời, tới đây sẽ là 9 ngôn ngữ. Ngay năm đầu dùng thuyết minh, chúng tôi đã thu hơn 500 triệu đồng từ khách trực tuyến", ông Minh cho biết.

Phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Bảo tàng Mỹ thuật VN tìm cách thu hút khách nhiều hơn từ công nghệ số. Ảnh: Ngọc Thắng

Thay đổi tư duy quản lý

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Phan Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật PhanLaw, nhận định vấn đề trên nền tảng số của chúng ta hiện nay là quá nhiều người… vi phạm giỏi. "Vi phạm luật Sở hữu trí tuệ trên mạng của chúng ta chắc cũng phải tốp 3 thế giới", ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho biết suốt chục năm qua, nhiều người đã cùng chiến đấu với các "website bất tử ở VN", đó là những trang phát nội dung vi phạm bản quyền mà cứ bị đóng cửa là được dựng lại với tên gần giống. Gần đây lại có thêm nạn bình luận phim trên TikTok. Gọi là bình luận nhưng thực chất là tiết lộ hết nội dung phim. Điều này khiến người làm phim thiệt hại do khán giả đã xem bản rút gọn đó sẽ không xem phim đầy đủ nữa. Ông Tuấn nhấn mạnh: "Chúng ta phải cùng kiến nghị thay đổi chính sách, phải có tòa chuyên biệt cho sở hữu trí tuệ".

Những phát biểu của ông Choi Seung-jin, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại VN, lại khiến nhiều người ngưỡng mộ môi trường pháp lý cũng như chính sách của nước này trong hỗ trợ công nghiệp văn hóa. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc rất hiểu việc sản xuất phim kéo dài hàng năm có thể khiến nhà làm phim khó khăn về tài chính. Chính vì thế, Hàn Quốc có những quỹ hỗ trợ các nhà làm phim về kinh phí, được xét duyệt công tâm. Bên cạnh đó, chính phủ cũng bỏ kinh phí để xây phim trường rồi cho nhà làm phim, các nhà sản xuất chương trình truyền hình thuê với giá rẻ… Bộ phim Trò chơi con mực nổi tiếng cũng được quay ở một phim trường như vậy.

Về chính sách, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng việc vận hành chính sách ở địa phương rất quan trọng. Nó cũng đòi hỏi lãnh đạo địa phương am hiểu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo để có thể điều hành. Bà cho biết rất mong chờ ở chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia đang soạn thảo. Chương trình này có thể tăng kinh phí cho các ngành công nghiệp sáng tạo, đồng thời đặt các mục tiêu cho lãnh đạo học tập để am hiểu công nghiệp sáng tạo hơn. 

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Bình luận (0)