Mặc dù công tác phát triển Đảng trong HS được TP.HCM rất chú trọng nhưng số HS được kết nạp Đảng vẫn còn rất khiêm tốn và chưa đồng bộ ở các đơn vị. Năm học 2019-2020, TP có 12 HS THPT được kết nạp Đảng. So với năm học 2018-2019, chỉ tăng thêm 1 HS…
Lễ kết nạp đảng viên học sinh tại Trường THPT Thủ Đức
Lựa chọn hạt nhân từ môi trường Đoàn
Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong HS là Trường THPT Ngô Quyền. Trong nhiệm kỳ qua, trường đã tổ chức kết nạp Đảng cho 11 HS. Thầy Lê Xuân Nguyên – Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường – nhấn mạnh: “Thời gian đầu khi phát triển đảng viên HS, nhà trường cũng vấp phải quan điểm của một vài đảng viên giáo viên rằng ngày xưa thầy, cô phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng rất khó thì HS được kết nạp Đảng có quá dễ dàng không. Theo đó, Chi bộ nhà trường phải đả thông tư tưởng cho không chỉ các đảng viên mà còn là đội ngũ giáo viên, nhân viên toàn trường”.
Cũng theo thầy Nguyên, ngay từ năm lớp 10, những HS có tố chất về hoạt động đoàn thể và lực học giỏi sẽ được nhà trường sàng lọc, đưa vào hoạt động Đoàn, giao nhiệm vụ cho thực hiện. Đây chính là thử thách ban đầu nhưng quan trọng nhất để “tôi luyện” ra những HS phù hợp, làm sao thể hiện được vai trò thủ lĩnh, vừa phải học tập tốt vừa phải tham gia phong trào giỏi. Thử thách này kéo dài đến cuối năm lớp 11, trường sẽ sàng lọc tiếp, chuẩn bị hồ sơ để phát triển Đảng cho những HS đủ tiêu chuẩn.
“Khi tạo ra môi trường phát triển đảng viên trong HS thì không chỉ tác động trực tiếp đến HS là hạt nhân kết nạp Đảng mà rộng hơn là lan tỏa tốt phong trào Đoàn, phong trào HS để HS toàn trường cố gắng, phấn đấu, xây dựng môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh”, thầy Nguyên khẳng định.
Từ năm 2017 đến nay, Trường THPT Thủ Đức đã kết nạp được 3 đảng viên là HS. Năm học 2020-2021, trường có 3 HS được cử đi học cảm tình Đảng.
“Phát triển đảng viên HS được coi như một nhiệm vụ chính trị của trường. Chi bộ nhà trường nhất quán, 18 tuổi là lứa tuổi mà các em có nhiều năng lực, ý chí, hoài bão và lý tưởng nhưng cũng là lứa tuổi các em dễ tổn thương nhất. Do đó, việc nhà trường phát hiện, bồi dưỡng và ươm mầm nhân tài, bồi dưỡng lý tưởng cho các em theo hướng phát triển Đảng là hết sức quan trọng, cần thiết”, thầy Lê Ngọc Khái – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức – bày tỏ.
Với quan điểm đó, ngoài học giỏi, những hạt nhân được “nhắm” đến phát triển Đảng phải là HS hoạt động tích cực trong công tác Đoàn. Hoạt động Đoàn được Đoàn trường xây dựng gắn liền, song hành với các hoạt động giáo dục thông qua CLB STEM, Nghiên cứu khoa học, Truyền thông, Văn nghệ, Vườn sinh học; các mô hình thi đua Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo ra những phong trào học tập, rèn luyện rộng khắp thu hút HS toàn trường.
“Từ đó nhà trường dễ dàng chọn ra những nhân tố có năng lực, phẩm chất, thể hiện tinh thần tiên phong để bồi dưỡng, phát triển Đảng. Sau khi đã lựa chọn được những hạt nhân này, Chi bộ sẽ phân công đảng viên theo dõi nhận thức, định hướng tư tưởng, nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng phấn đấu của HS, tiếp tục sàng lọc chọn ra những HS phù hợp nhất, đề xuất Quận ủy cho các em đi học cảm tình Đảng”, thầy Khái nói.
Nhiều HS ưu tú thiếu tuổi để kết nạp
Chú trọng công tác phát triển đảng viên HS, có thế mạnh về đối tượng HS giỏi, tích cực tham gia công tác phong trào; song 3 năm qua Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chỉ phát triển được 1 đảng viên HS. Cô Nguyễn Thị Hồng Chương – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Ngoài khó khăn chung về độ tuổi HS (đủ 18 tuổi mới được kết nạp Đảng) thì công tác phát triển đảng viên HS còn gặp phải khó khăn khách quan là đối tượng HS đi du học nhiều. Ngay từ năm lớp 10, trường đã chú trọng tìm nhân tố tích cực bằng cách thu hút HS đến với hoạt động Đoàn, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện để các em thể hiện tinh thần xông pha, trách nhiệm với xã hội. Các hạt nhân tích cực được giao trọng trách tham gia Ban Chấp hành Đoàn trường, trong ban chủ nhiệm các CLB để thể hiện năng lực lãnh đạo, tổ chức và năng lực học tập. Thế nhưng, nhiều khi những HS nhân tố lại là những HS không đủ độ tuổi để kết nạp Đảng hoặc là các em có nguyện vọng đi du học”.
“Đoàn Thanh niên nhà trường chính là môi trường bồi dưỡng, phát hiện hạt nhân ưu tú. Song song tổ chức các hoạt động, mở các CLB phù hợp với tâm lý HS để thu hút các em đến với Đoàn, hiểu về Đoàn một cách thực chất thì cũng chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS để giới thiệu các đoàn viên ưu tú đủ tiêu chuẩn cho công tác phát triển đảng viên”, thầy Nguyễn Văn Ba – Phó Bí thư Chi bộ, Trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – cho hay.
Cũng theo thầy Ba, “rào cản” tại các trường THPT hiện nay trong việc thu hút HS đến với hoạt động Đoàn chính là lịch học dày đặc. Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chỉ có ngày thứ bảy, HS mới có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa, CLB…
Còn tại Trường THPT Ngô Quyền, thầy Nguyên cho biết, rào cản trong công tác kết nạp Đảng trong HS một phần là do các em chưa nhận thức được tầm quan trọng, chưa xác định được phương hướng, lý tưởng để phấn đấu. Vì vậy, ngoài việc làm mới công tác Đoàn trong nhà trường theo hướng gần gũi, hấp dẫn HS thì các lớp học cảm tình Đoàn cũng cần được đổi mới. Việc kết nạp Đoàn phải được các đơn vị thực sự chú trọng để HS thấy được sự thiêng liêng, niềm tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, từ đó mới bồi đắp nuôi dưỡng lý tưởng để các em phấn đấu vào Đảng…
“Tư tưởng phấn đấu của HS” là nguyên nhân sâu xa khiến công tác phát triển đảng viên HS ở các đơn vị trường học khu vực ngoại thành còn kém. Thầy Ngô Văn Hội – Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) – thẳng thắn, đại đa số HS và phụ huynh ở khu vực này quan điểm đến trường để học kiến thức, học chữ nhằm có một công việc ổn định chứ chưa “bứt phá” rằng học để phấn đấu, để có lý tưởng…
“Bên cạnh đổi mới công tác Đoàn để thu hút HS tham gia, trường cũng tập trung vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các em, từng bước thay đổi quan điểm của phụ huynh, hy vọng sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới”, thầy Hội thông tin.
Bài, ảnh: Đỗ Lan
Bình luận (0)