Lãnh đạo Bộ Xây dựng và TP.HCM tham quan mô hình khu quy hoạch đô thị TP.HCM. Ảnh: A.Khánh |
Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng và UBND TP phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM”.
Nhìn nhận những tồn tại của TP.HCM, TS.KTS Trần Thị Lan Anh – Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng – cho rằng: TP có số lượng dự án mới nhiều hơn dự án chỉnh trang đô thị, nhiều dự án không được triển khai đúng thời hạn đã tạo thêm những khoảng trống trong đô thị. Bên cạnh đó, các dự án được triển khai theo phương pháp thu hồi đất cũng không hiệu quả khi việc mở đường tốn kém cho cả Nhà nước và tư nhân. Từ đó phát sinh ra những nhà siêu mỏng, siêu méo, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Đáng lo nhất là dân số TP tăng hàng năm khoảng 200.000 người dẫn đến hoạt động đô thị vượt mức dự báo trong quy hoạch. Từ đó, kéo theo những hệ lụy về ùn tắc giao thông, thiếu chỗ đậu xe, ô nhiễm nguồn nước ở các sông, kênh rạch…
Để khắc phục những hạn chế này, TS. Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – đưa ra giải pháp: “TP.HCM cần khuyến khích phát triển đô thị nén, hạn chế phát triển đô thị phân tán, mật độ thấp và cần phải giữ lại được vành đai xanh. TP nên tập trung phát triển theo hướng vận tải công cộng. Việc phát triển các tòa nhà mật độ cao dọc theo các tuyến vận tải công cộng làm cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả và bền vững hơn”.
Trong khi đó, PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa lại đề nghị TP nghiên cứu phát triển đô thị cho từng vùng, khu vực cụ thể cũng như toàn TP. “Một giải pháp mạnh mẽ hơn là phải bỏ các hệ thống đồ án quy hoạch chung, xây dựng đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt và nghiên cứu lập hệ thống đồ án mới. Trong đó không nhất thiết phải theo ranh giới hành chính các quận, huyện mà dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình, dân số, công trình kiến trúc, mạng lưới giao thông để thực hiện”, ông Hòa hiến kế.
Từ thực tế của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP sẽ kiến nghị TW về phân cấp, ủy quyền cho TP trên cơ sở đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn. Đặc biệt là cơ chế tài chính để tạo nguồn vốn thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị…
Góp ý cho TP.HCM trong việc thực hiện chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: Bộ Xây dựng ủng hộ TP.HCM và cam kết phối hợp chặt chẽ với TP để hoàn thành tốt nhất chương trình này. Và theo ông Hà, TP.HCM cần ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, người dân và cộng đồng xã hội; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thực hiện việc chỉnh trang, phát triển đô thị đạt hiệu quả cao…
An Khánh
Bình luận (0)