Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp sau khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Với những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế trong những tháng gần đây, chuẩn bị cho giai đoạn hậu khủng hoảng là cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau khi nền kinh tế hồi phục.
Một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có khoảng 91% số doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất, trên 51% doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, 56% doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là: cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được những nguy cơ, thách thức mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới, nhất là khi nền kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng và kinh tế trong nước tăng trưởng trở lại. Giải quyết được những vấn đề trên, đồng thời nắm bắt được cơ hội sẽ là một trong những yếu tố mang lại thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam sau khủng hoảng.
Nguy cơ và thách thức
Theo ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI, khi kinh tế thế giới phục hồi, các nền kinh tế lớn sẽ thực hiện tái cơ cấu, dòng vốn đầu tư sẽ có sự chuyển dịch. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, ngành hàng để có thể tranh thủ các cơ hội của quá trình tái cơ cấu kinh tế quốc tế mang lại, nhất là định hướng về thu hút các dòng đầu tư nước ngoài.
Qua khủng hoảng các doanh nghiệp cần nhận biết được những yếu kém trong nội tại doanh nghiệp của mình, tiến hành các biện pháp cải cách về công nghệ, quản lý, tài chính, nhân lực… và định ra các chiến lược phát triển mới.
Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu xuất phát từ nước Mỹ với nguyên nhân là sự đổ vỡ của hệ thống tín dụng và thị trường bất động sản. Trong những năm qua, nước ta cũng có nhiều cơn "sốt" chứng khoán, bất động sản dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn đua nhau đầu tư vào các lĩnh vực này. Hậu quả khi thị trường chứng khoán tuột dốc và thị trường bất động sản bị đóng băng, nhiều doanh nghiệp đã hết sức khó khăn. Từ bài học của nước Mỹ và những diễn biến của hệ thống tài chính – tín dụng, thị trường bất động sản của nước ta trong những năm qua, các doanh nghiệp cần rút ra những bài học cho định hướng đầu tư trong thời gian tới.
Do suy thoái kinh tế, hàng hóa dư thừa nên hầu hết các nước trên thế giới đều có các chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài, ngay cả ở các thị trường truyền thống. Hiện nay thị trường trong nước đang bị hàng giá rẻ của ngoại nhập chiếm lĩnh, các doanh nghiệp của chúng ta quá chú trọng vào sản xuất hàng xuất khẩu nên đang đứng trước nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, việc chiếm lĩnh thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân là vấn đề cần được quan tâm thích đáng.
Ngoài những nỗ lực nội tại, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hậu thuẫn, hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp để nhanh chóng phát triển sản xuất – kinh doanh.
Hướng đi cho doanh nghiệp

Qua nghiên cứu, khảo sát tình hình doanh nghiệp, nắm bắt diễn biến thị trường trong và ngoài nước, VCCI cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tái cấu trúc lại doanh nghiệp ở cả hai cấp độ: tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và tái cấu trúc không gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu.
Tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu thông thường dưới các hình thức: mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp…đây là xu hướng đang diễn ra nhiều trên thế giới nhằm hình thành các doanh nghiệp mới đủ mạnh đồng thời vẫn duy trì được các mặt tích cực, các dòng sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp cũ.
Còn tái cấu trúc không gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu bao gồm các hoạt động cải tổ nội bộ của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của một số bộ phận cho phù hợp với chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp như: xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển những kỹ năng mới, tạo sự tìm tòi và đổi mới trong nội bộ doanh nghiệp, cam kết với khách hàng, cộng đồng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ… “VCCI đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu song song với tiến hành đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Túc cho biết.
Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội khủng hoảng để đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn khủng hoảng, giá máy móc, thiết bị, công nghệ của thế giới trở nên rẻ hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội của khủng hoảng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài, nhất là Việt kiều để phục vụ cho quá trình tái cấu trúc. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm là chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giữ và thu hút lao động "chất xám", đặc biệt là lao động quản lý, lao động kỹ thuật.
Với một nền kinh tế, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như ở Việt Nam trong những năm qua, thì xuất khẩu là vấn đề cần nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Túc cho rằng, để có thể tranh thủ được những cơ hội mới mở ra trong thời “hậu khủng hoảng”, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát sao và cố gắng dự báo xem nước nào, lĩnh vực nào hồi phục trước để chủ động tiếp cận chiếm lĩnh thị trường. Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhưng sẽ là cơ hội xuất khẩu hàng hóa giá rẻ như: hàng nông, thủy sản, thực phẩm… Đây là thế mạnh và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng có lợi thế so với các nước khác để bảo đảm được thị phần vững chắc cho nhóm hàng đó tại các thị trường.
Ngoài những lưu ý trên, VCCI còn cho rằng, cùng với việc duy trì, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thì chú trọng phát triển thị trường trong nước vẫn cần được coi như một hướng cơ bản và lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để đạt được điều này, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.
Khi phát triển thị trường trong nước cần chú trọng cả thị trường tiêu thụ và khuyến khích việc sản xuất và sử dụng hàng hoá, dịch vụ đầu vào sản xuất trong nước. “Nhưng để thành công các doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng đến thị trường nông thôn, nơi chiếm đến 2/3 dân số cả nước”, ông Túc nhấn mạnh.
Theo VnE

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)