Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của ĐBSCL đối với du lịch Việt Nam, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, quảng bá hình ảnh khu vực với cả nước và quốc tế, là mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được công bố và triển khai thực hiện tại hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 5-4-2017.
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: PV |
Theo đó, đến năm 2020 ĐBSCL phấn đấu đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (năm 2020) và trên 111.000 tỷ đồng (năm 2030). Có khoảng 53.000 buồng khách sạn (năm 2020), 100.000 buồng (năm 2030), trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao chiếm khoảng 30%.
Theo quy hoạch, không gian phát triển du lịch phía Tây (bao gồm TP.Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) với định hướng khai thác các sản phẩm như tham quan đất mũi Cà Mau, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo, sinh thái, trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, du lịch, lịch sử, lễ hội. Trong khi đó không gian du lịch phía Đông (gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh) với định hướng khai thác sản phẩm: Nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, lưu trú tại nhà dân (homestay). Đặc biệt, tập trung phát triển TP.Cần Thơ, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng. Phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, kết nối với Thái Lan, Campuchia. Tăng cường phát triển các tuyến du lịch đường không quốc tế trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc.
Theo ông Hoàng Đạo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch): Để quy hoạch đi vào cuộc sống, vai trò các địa phương có tính chất chủ đạo. Theo đó các địa phương cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; quy hoạch các khu, điểm du lịch. Về nguồn vốn thực hiện, để khắc phục khó khăn, các địa phương nên tích cực lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của các ngành khác có liên quan với phát triển du lịch trên địa bàn. “Đặc biệt, chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để tránh tình trạng đi đến đâu trong vùng cũng giống nhau với các sản phẩm dựa trên tài nguyên chính là sông nước, miệt vườn, đờn ca tài tử. Các tỉnh cần đầu tư cho nguồn lực du lịch, huy động xã hội hóa, trong đó đầu tư theo hộ gia đình để nhiều người cùng làm du lịch tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm du lịch. Các tỉnh, thành cần liên kết, hợp tác trong phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau”, ông Cầm nhấn mạnh.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL, bổ sung: “Các địa phương phải làm tốt quy hoạch phát triển du lịch và phải nhận thức được tầm quan trọng của sự liên kết giữa các tỉnh, thành, phải huy động sự tham gia của các sở ngành, các cấp chính quyền. Mỗi địa phương tuy chủ động xây dựng chương trình hành động nhưng phải có sự gắn kết toàn vùng. Chúng tôi đề xuất, hàng năm, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức các hội nghị, diễn đàn để quảng bá du lịch, đồng thời cũng là dịp để các tỉnh, thành chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh chung của toàn vùng”.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu nêu những băn khoăn để thực hiện hiệu quả quy hoạch, nổi bật là: Xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương không đều và còn thấp; việc thu hút vốn đầu tư trong vùng còn khó khăn; đa số doanh nghiệp thuộc dạng vừa và nhỏ; hệ thống hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế (như chưa có các tuyến cao tốc hoàn chỉnh, không có kết nối đường sắt). Việc phát triển hệ thống cấp nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường là những thách thức không nhỏ đối với phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng đối với vùng. Những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ của các đại biểu tập trung giải quyết những vấn đề trên, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho rằng: “Ngoài việc ban hành các cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển du lịch vùng, chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ ưu tiên cấp vốn xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng trong các khu, điểm du lịch quốc gia và các khu du lịch quan trọng khác của vùng đã được quy hoạch, đặc biệt với những nơi khó khăn, kém phát triển. Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các trục đường bộ liên vùng, đường cao tốc và các cảng tàu du lịch. Mở thêm các đường bay trong nước nối với các sân bay trong vùng để tăng khả năng thu hút khách du lịch trong cả nước”.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL, kiến nghị: “Để bảo vệ cảnh quan và môi trường, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị các ngành liên quan khi xây dựng những dự án, công trình sản xuất, phải có đánh giá tác động môi trường và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình hoạt động. Nếu chỉ vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua vấn đề môi trường thì lợi ít hại nhiều, và hậu quả do suy thoái môi trường đối với cuộc sống, với người dân là khôn lường, không chi phí nào đủ để khắc phục”.
Đan Phượng
Bình luận (0)