Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, du lịch (DL) luôn được coi là nhân tố quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra công ăn việc làm, Nxóa đói giảm nghèo. Diễn đàn DL Á- Âu (ASEM) được tổ chức vừa qua là dịp để những người làm công tác DL trong và ngoài nước cùng trao đổi kinh nghiệm và những hướng phát triển DL bền vững gắn với giảm nghèo.
Mở thêm cơ hội cho người nghèo
Theo thống kê, năm 2007, Việt Nam đón hơn 4,2 triệu khách quốc tế, 6 tháng đầu năm 2008 đạt 2,5 triệu lượt. Con số này vượt xa những năm trước đó. Năm 1990, Việt Nam chỉ đón 250 ngàn lượt khách quốc tế và năm 2000, con số này là 2 triệu. Lượng khách DL trong nước cũng tăng từ 11,2 triệu người năm 2000 lên 15,5 triệu lượt năm 2005 và năm 2007 đạt 19,2 triệu lượt. Tổng doanh thu DL tăng nhanh qua các năm: Năm 2006 đạt 34 ngàn tỷ đồng, năm 2007 là 56 ngàn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2008 ước đạt 37 ngàn tỷ đồng. Sự phát triển mạnh mẽ của DL Việt Nam trong những năm qua một phần nhờ sự đóng góp của các hoạt động DL gắn với xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng. TS.KTS. Lê Trọng Bình (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục DL Việt Nam) khẳng định: “DL là công cụ xóa nghèo hữu hiệu và nhanh hơn các ngành công nghiệp, nông nghiệp; đặc biệt đối với các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi tập trung phần lớn tài nguyên DL của cả nước, đảm bảo thực hiện hiệu quả chiến lược Toàn diện tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5-2002”. Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu nhấn mạnh tinh thần coi người dân nghèo là đối tác trong ngành DL để qua đó gắn họ với trách nhiệm tham gia hoạt động DL. DL phát triển thì người dân nghèo các địa phương có cơ hội tiếp cận thị trường thuận lợi hơn, có thể cung cấp các dịch vụ mà họ sản xuất trực tiếp phục vụ khách DL, góp phần tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Người nghèo và cộng đồng người nghèo có cơ hội vươn lên, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” phù hợp tiến trình công nghiệp hóa. Phát triển cơ sở hạ tầng DL đem lại lợi ích cho cộng đồng người nghèo, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội (hệ thống giao thông, liên lạc viễn thông, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ y tế, giáo dục) nâng cao dân trí, nâng cao đời sống và bảo tồn văn hóa của vùng đồng bào dân tộc ít người.
Việc phát triển DL bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Điển hình là Hội An (Quảng Nam). Ông Ricardo L.Favis (chuyên gia văn hóa, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên Hợp Quốc) ghi nhận: “Từ khi được công nhận là di sản thế giới năm 1999, thu nhập từ DL của Hội An tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng khoảng 13%”.
Cũng từ cột mốc được công nhận là di sản thế giới năm 1999, khách DL tại Hội An tăng trưởng vững chắc từ 160 ngàn năm 1999 lên 1 triệu năm 2007, tăng trung bình 68% hàng năm.
Những thách thức…
Các đại biểu tại diễn đàn có nhận định chung rằng: Những thành tựu xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển DL còn thiếu tính bền vững và Việt Nam còn phải lo ngại nguy cơ tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc ít người (là nơi tập trung phần lớn tài nguyên DL) còn khá cao. Đa số người nghèo ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ cơ bản lẫn điều kiện tham gia phát triển DL và hưởng lợi từ việc phát huy giá trị tài nguyên DL trên địa bàn. Tiến trình mở cửa và hội nhập của hoạt động DL phải cạnh tranh quốc tế gay gắt trong điều kiện chất lượng phát triển còn thấp, sản phẩm DL thiếu tính cạnh tranh và giá cả dịch vụ DL không ổn định. Nguồn lực trong nước còn hạn hẹp, vừa phải đầu tư lớn cho sự phát triển chung của đất nước vừa phải đầu tư cho xóa đói giảm nghèo, trong khi đó việc khai thác nguồn lực phục vụ phát triển DL gắn với giảm nghèo chưa được nhiều. Cơ chế, chính sách xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ người nghèo thông qua phát triển DL chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và chưa thích ứng với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng nhóm người nghèo.
Việt Nam có những nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập của người nghèo thông qua DL. Phát triển DL gắn với bảo vệ tính bản địa của các địa phương. Chẳng hạn, khách DL có thể “trú chân” tại các gia đình người nghèo, người dân tại địa phương qua đó tạo tính “thân thiện” giữa người dân nghèo với du khách. Coi người nghèo tại khu vực có tài nguyên DL là người chủ của tài nguyên để gắn họ với trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ DL, đảm bảo quyền lợi cho họ trong hoạt động DL địa phương. Huy động và phân bổ nguồn lực từ các thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân, cộng đồng và đầu tư quốc tế cho sự phát triển DL và xóa đói giảm nghèo. Chú trọng: phát triển DL sinh thái, DL văn hóa; phát triển các sản phẩm DL đặc thù vùng miền có chất lượng và tính cạnh tranh; phát triển cơ sở hạ tầng gắn với DL; hỗ trợ cộng đồng người nghèo về kỹ năng kinh doanh, đầu tư phát triển dịch vụ DL, pháp lý trong hoạt động DL; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thị trường DL đảm bảo bình đẳng, vì lợi ích người nghèo.
MÊ TÂM
Bình luận (0)