Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát triển GD-ĐT TP.HCM: Cần có cơ chế đặc thù

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM để bàn về “Phát triển GD-ĐT TP.HCM”.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo tại hội nghị

Cho phép TP xây dựng khung chương trình giáo dục

Theo báo cáo của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, TP luôn dành kinh phí đầu tư xây dựng CSVC trường lớp trên địa bàn, khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Theo đó mỗi năm đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới, đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân. Đội ngũ sư phạm được xây dựng và củng cố vững mạnh từ số lượng đến chất lượng. Công tác quản lý nhà trường được đổi mới tích cực, theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế và khu vực.

Đồng thời, ông Sơn cũng nêu ra một khó khăn mà ngành GD-ĐT TP đang gặp phải như sĩ số HS/ lớp đông, Thông tư liên Bộ GD-ĐT – Bộ Nội vụ quy định 4 chức danh (kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế) nhưng chỉ có 2 vị trí việc làm là không phù hợp với các trường mầm non tại TP.HCM…

Từ thực tế địa phương, ông Sơn kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép TP.HCM tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp; cho phép HS các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản. Giao quyền cho TP thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Đồng thời, giao quyền tự chủ 100% cho các trường CĐ, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh.

Hội nhập là không chạy trường chạy lớp

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh: “TP.HCM là TP đặc biệt nên những cơ chế chính sách về GD-ĐT làm ở TP.HCM thành công thì sẽ nhân rộng ra được cả nước. Vì vậy, TP đang quyết liệt triển khai NQ 12 của Đảng; thực hiện 7 chương trình đột phá và GD-ĐT là giải pháp đầu tiên. Tôi đề nghị cái gì quyết được là quyết ngay. Nhất quyết năm nay không được dạy thêm học thêm. Chuyện dạy thêm học thêm tôi rất hoan nghênh, mở các trung tâm, các doanh nghiệp đào tạo, ai có nhu cầu thì đến học. Hội nhập là không chạy trường chạy lớp, hội nhập là không dạy thêm học thêm”.

Cũng theo ông Thăng, nếu cái gì cũng ngân sách cấp thì không bao giờ đủ. Không xã hội hóa thì không thể cho các cháu học đến nơi đến chốn được…

Đồng thời, ông Thăng cũng yêu cầu đào tạo ở trường phải gắn với doanh nghiệp. Ông đưa ra dẫn chứng, tại Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung thiếu nguồn nhân lực, trong khi rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. “Phải đẩy mạnh khởi nghiệp, trong chương trình giáo dục phải đưa tinh thần khởi nghiệp vào giảng dạy. Trường học phải đào tạo, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão của sinh viên”, ông Thăng nói.

Theo đó, ông Thăng đề nghị cần thực hiện phân cấp ủy quyền cho TP, TP.HCM cần có cơ chế đột phá để phát huy hết tiềm năng.

Nói về mục tiêu của GD-ĐT thông qua triển khai các đề án, ông Thăng bày tỏ quan điểm: “Đề án giáo dục phải làm cho học sinh giỏi lên, không chỉ giỏi tin học, giỏi toán, giỏi tiếng Anh, mà vấn đề quan trọng hơn cả những cái giỏi đó là xây dựng, vun đắp được nhân cách, lối sống biết tôn trọng tình cảm gia đình, yêu thương người thân, cộng đồng, có lý tưởng vì sự phát triển chung của cộng đồng, của đất nước”.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, cơ sở để Bộ GD-ĐT chọn TP.HCM bởi TP là một địa bàn đổi mới căn bản toàn diện với tính chất tiên phong. “GD-ĐT có nhiều vấn đề tồn tại cần được khắc phục và làm ngay, không chậm trễ được nữa. Một trong nhóm nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế chính sách. Việc thí điểm ở một số địa bàn, trong đó có TP.HCM là làm được”.

Theo đó, ông cho rằng, tạo sự chuyển biến rõ nét về đổi mới giáo dục toàn diện cần có đề án tổng thể phát triển giáo dục TP.HCM đến năm 2020 và định hướng 2025. Có những nội dung sẽ thực hiện thí điểm tại TP, để tạo ra sản phẩm giáo dục tốt, đóng góp cho sự phát triển TP.

“Bộ GD-ĐT sẽ cùng với TP.HCM chấn chỉnh các quy định hiện hành nhằm đổi mới giảm tải, tăng cường chất lượng giáo viên để GD-ĐT nước nhà không xa cách với giáo dục của các nước phát triển trong khu vực nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Bộ sẽ rà soát có sự phân cấp, phân quyền rõ để TP.HCM có sự chủ động”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Và cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trước mắt các bên liên quan sẽ xây dựng khung chương trình giáo dục, cho phép TP.HCM chủ động linh hoạt để có những chuẩn cao hơn. “Chúng ta phải linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người giỏi rút ngắn thời gian đào tạo, tăng tính hấp dẫn. Giáo viên giảng dạy có trách nhiệm, đề nghị căn cứ vào điều kiện cụ thể những lớp học tốt nhất và từng trường để đổi mới việc đánh giá, tránh phức tạp. Giao quyền cho TP kiểm tra công nhận tốt nghiệp THPT. Riêng kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển năm nay, đề nghị của TP cũng rất có cơ sở và ủng hộ đề nghị này, bộ sẽ hướng dẫn giám sát chứ không làm thay”, ông Nhạ nói. Cũng xoay quanh vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, chiều cùng ngày (7-6) Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với ĐH Sư phạm TP.HCM.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)