Chiều dài sông nước TP.HCM lên đến gần 1.000km, việc khai thác vận tải đường thủy hiệu quả sẽ tiết kiệm chi phí lớn trong vận chuyển hàng hóa, đồng thời giảm áp lực giao thông đường bộ.
Tàu vận chuyển hành khách cũ kỹ, vẫn còn nhiều người tham gia giao thông đường thủy không chấp hành mặc áo phao (đò ngang Tân Nhật – Tân Bửu (Bình Chánh)). Ảnh: I.T |
Tiết kiệm hơn 70% phí so với đường bộ và giảm ùn tắc
Tỉ lệ này được tính từ con số mà ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đưa ra tại Hội thảo bàn về giải pháp Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 diễn ra vừa qua. Theo ông Hiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường bộ từ khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đi cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho 1 container 20 feet vào khoảng 150 USD, trong khi chi phí vận chuyển bằng tàu hoặc sà lan chỉ khoảng 30-40 USD.
Tại TP.HCM, năm 2015, sản lượng hàng hóa vận tải thông qua các cảng khu vực thành phố là 5,6 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container loại 20 feet). Trong đó, cảng Cát Lái chiếm 80%. Sản lượng thông qua cụm cảng trung chuyển ICD (còn gọi là cảng cạn) gồm: Cảng Phước Long, Phúc Long, Transimex, Sotrans, Tanamexco là 1,8 triệu TEU, tương đương 1,8 triệu xe container. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải trong năm 2015 là 1,4 triệu TEU.
“Việc khai thác vận tải đường thủy sẽ tiết kiệm được kinh phí vận chuyển rất lớn, đặc biệt giảm ùn tắc giao thông đường bộ, nguy cơ tai nạn từ xe container, hư hại đường sá… Chỉ tính 90% số container hàng hóa này được vận chuyển bằng đường thủy, có thể bớt được ít nhất cả triệu chuyến xe container trên đường mỗi ngày”, ông Lê Duy Hiệp, cho biết.
Theo ông Lê Duy Hiệp, nên phát huy vận tải container từ nơi tập kết hàng hóa tại các cảng trung chuyển, để đưa lên các tàu nhỏ, sà lan, sau đó vận chuyển đến các cảng biển đưa lên tàu lớn. Bên cạnh đó cần phát triển phương tiện hệ thống tiếp cận hai đầu; công tác tổ chức điều phối. Về lâu về dài tính đến sự phát triển giữa TP.HCM và các khu vực khác.
Còn nhiều khó khăn để phát triển
Năm 2009, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến khu vực thành phố giai đoạn 2009-2020 tại Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND. Cụ thể quy hoạch 87 tuyến, làm cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP một cách hợp lý đồng bộ, hình thành những trung tâm kết nối giữa vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác.
Sở GTVT TP.HCM đang phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu quy hoạch hệ thống kho bãi nhằm kết nối thuận lợi với hệ thống cảng biển, góp phần giảm chi phí hậu cần trong hoạt động vận tải. Điều chỉnh quy hoạch cảng biển nhóm 5 (nhóm cảng biển Đông Nam bộ). |
Nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả không đạt được đúng quy định. Đơn cử năm 2015, sản lượng lưu thông qua hệ thống đường thủy nội địa chỉ khoảng 20 triệu tấn. Theo các chuyên gia giao thông, sản lượng này chưa xứng với tiềm năng tổng chiều dài sông nước TP.HCM lên đến gần 1.000km, có lợi thế để khai thác vận tải đường thủy cả khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, đặc biệt với những hành trình vận tải hàng hóa có cự ly trên 20km.
Trước vấn đề này, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng QLGT đường thủy (Sở GTVT), cho biết, trên cơ sở quy hoạch, Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; trong đó tập trung nâng cấp một số tuyến luồng, nâng cấp các công trình vượt sông. Cụ thể như hoàn chỉnh nạo vét luồng và nâng cấp các công trình vượt sông trên các tuyến nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé – Tàu Hủ, Tân Hóa – Lò Gốm. Nâng cấp các cầu như cầu Rạch Tra (trên tuyến rạch Tra), cầu thay thế đập Nam Lý (trên tuyến rạch Chiếc)… Đặc biệt, cầu đường sắt Bình Lợi trên tuyến sông Sài Gòn, đây là tuyến đường thủy quan trọng nối Bình Dương, khu Tây Bắc với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đã được triển khai theo hình thức BOT (thu phí đường thủy). Tuy nhiên, do ngân sách đầu tư cho hạ tầng còn nhiều khó khăn, hệ thống luồng tuyến và các công trình vượt sông do được xây dựng từ lâu nên không đạt cấp kỹ thuật theo quy định khiến thời gian qua vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch.
Để phát triển hệ thống hạ tầng đường thủy, hiện Sở GTVT đã tham mưu cho thành phố chấp thuận đầu tư nạo vét một số tuyến trọng điểm và nâng cấp các cầu trên tuyến bằng nguồn vốn ngân sách trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến, nghiên cứu điều chỉnh Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 9-6-2004 của UBND thành phố quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông kênh rạch.
Theo ông Phan Công Bằng, song song với những việc trên, Sở GTVT đang phối hợp với các sở ngành liên quan kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông (trong đó có hệ thống giao thông đường thủy) theo hình thức đối tác công tư nhằm tận dụng nhiều nguồn vốn, đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng để phát triển vận tải đường thủy. Ngoài ra, Sở GTVT đang phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu quy hoạch hệ thống kho bãi nhằm kết nối thuận lợi với hệ thống cảng biển, góp phần giảm chi phí hậu cần trong hoạt động vận tải. Điều chỉnh quy hoạch cảng biển nhóm 5 (nhóm cảng biển Đông Nam bộ).
Trinh Ngọc
Bình luận (0)