Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 12-4.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP.HCM tham quan các gian hàng nhân dịp tham dự hội nghị (Ảnh: Quốc Thắng)
Tham dự hội nghị, về phía lãnh đạo Trung ương có các đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Chí Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Thể – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về phía lãnh đạo TP.HCM có các đại biểu Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; và các đại biểu khác cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hóc Môn và Củ Chi không chỉ là vùng đất cách mạng mà còn là địa phương có nhiều lợi thế về chiến lược khi nằm ở vùng đệm giáp ranh 2 tỉnh Long An, Bình Dương; có khả năng kết nối đường thủy thuận lợi và hướng ra sông Sài Gòn. Hai huyện này được ví như con rồng đang ngủ bên phần còn lại của sự phát triển sôi động của TP.HCM, đòi hỏi phải có sự phát triển để xứng đáng với vị trí quan trọng này.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, TP.HCM phải giải được bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng để thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, công nghệ cao; thu hút tốt nhất các nguồn lực tri thức, con người, giải phóng tiềm năng đất đai để từ đó nhanh chóng giải tỏa áp lực dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm cho người dân.
“Mở rộng không gian, phát triển đô thị là cần thiết khi chiếc áo hiện hữu đã trở nên quá chật đối với sự phát triển TP.HCM”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, và cho biết: “Với tư cách đại biểu Quốc hội đại diện tiếng nói của cử tri huyện Hóc Môn, Củ Chi trực thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chúng tôi sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện mục tiêu, các cam kết của nhà đầu tư, giải trình với nhân dân. Do vậy, mọi cam kết tại hội nghị hôm nay phải đi đôi với việc làm thực chất, người thật, việc thật”.
Ông cũng cho rằng, các nhà đầu tư không chỉ về kinh tế, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, TP sinh thái, môi trường mà còn sự ký kết về vấn đề nhà ở xã hội. Điều này cho thấy sự đồng bộ trong thu hút phát triển bền vững Hóc Môn và Củ Chi. Qua đó, ông yêu cầu các cam kết đầu tư, quá trình triển khai phải phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt, với luật pháp và không để chậm trễ. Đồng thời, sự phát triển của hai huyện theo hướng hài hòa, bền vững, lâu dài, TP cần lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia để tránh sai lầm do thiếu kinh nghiệm, kiến thức chung.
“Nguyên tắc xuyên suốt các dự án phát triển Hóc Môn, Củ Chi phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Để người dân có cuộc sống trong điều kiện tiện ích xã hội ngang tầm các quận trung tâm, tiếp cận được điều kiện việc làm, nhà ở, trường học phù hợp như Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu: “Kinh tế số phải đi đầu”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trên cơ sở này, ông đề nghị TP.HCM phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ. Nhanh chóng tháo gỡ nút thắt về hệ thống giao thông đường bộ, đường cao tốc, đường thủy để đưa hai huyện gần khu vực phía Đông TP và ngược lại.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP.HCM tham quan các gian hàng nhân dịp tham dự hội nghị (Ảnh: Quốc Thắng)
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp tư nhân; hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm năng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã; giảm thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tái đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đặc biệt thu hút tài năng, hỗ trợ áp dụng chuyển đổi khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong tất cả các ngành kinh tế theo hướng tăng năng suất.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hội nghị lần này tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi, sẵn sàng tham gia, thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa kinh tế – xã hội rất quan trọng, với một quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất góp phần cho sự phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân tại 2 vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa là Hóc Môn và Củ Chi. TP.HCM cam kết nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể, tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. |
Bên cạnh các chính sách về kinh tế, cần quan tâm nhiều hơn các vấn đề đời sống, dân sinh. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo hiểm, chăm lo người có công, gia đình chính sách, người già, người tàn tật, đối tượng yếu thế trong xã hội. Quan tâm đầu tư hơn nữa y tế, ưu tiên đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp…
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải thực hiện đúng cam kết, ký kết đầu tư khẳng định uy tín việc làm. “Sau ký kết hôm nay phải sớm triển khai nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư, tuân thủ pháp luật, nói không với tiêu cực, chứ không phải ký xong rồi để đó”.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù huyện Hóc Môn và Củ Chi chia ra 2 đơn vị hành chính nhưng không gian kinh tế rất tương đồng, không thể chia cắt. Muốn đi xa phải đi cùng nhau, vì vậy 2 huyện cần phối hợp đi cùng nhau, liên kết chặt chẽ với các địa phương xung quanh để tạo lợi thế về kinh tế, quy mô lớn của khu vực.
“Trách nhiệm chính trị rất nặng nề đặt ra không chỉ với Đảng bộ, chính quyền huyện Hóc Môn, Củ Chi mà còn cả đối với TP.HCM và Chính phủ, các bộ ngành. Trước hết và trực tiếp nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 huyện cần biến hào khí truyền thống cách mạng, niềm tự hào thành sức mạnh, khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phải nỗ lực năng động, sáng tạo và quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Trên cương vị Chủ tịch nước và đại biểu Quốc hội của TP.HCM khu vực huyện Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có sửa đổi luật đất đai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tìm kiếm giải pháp, cơ chế thực sự đột phá để phát triển TP.HCM và 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Phát triển 2 huyện là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TP.HCM
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cho biết, 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi có tổng diện tích khoảng 544 héc-ta, là cửa ngõ kết nối TP với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam bộ.
Tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 24) định hướng phát triển không gian TP đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi theo hướng phụ phía Tây Bắc. Cụ thể, lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Thông qua hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 12,414 tỷ USD. Bao gồm các dự án thuộc lĩnh vực: hạ tầng giao thông – kỹ thuật; giao thông đường thủy; đường nội đô; xử lý rác thải; giảm ngập nước; chỉnh trang đô thị; công nghiệp; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; giáo dục – văn hóa – thể thao. Đồng thời, diễn ra lễ trao các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trao Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư. |
Quyết định 24 cũng xác định trong địa bàn 2 huyện, các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc – nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn – được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TP.
Ông Nhã cũng cho biết, điều chỉnh Quy hoạch chung TP lần này cần đặt sự phát triển của TP trong mối liên hệ chặt chẽ với các tỉnh trong vùng TP.HCM. Tính liên kết phải được chỉ ra ở các góc độ: liên kết về kinh tế; về phát triển các chức năng của đô thị như khu nhà ở, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, các trung tâm, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; liên kết về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc TP. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)