Với lợi thế về hệ thống các trường ĐH-CĐ, thị trường tiêu dùng bùng nổ và địa điểm du lịch hấp dẫn du khách; TP.HCM đang là điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia. Để nắm bắt cơ hội này, UBND TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm giữa lãnh đạo TP và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Tại đây, chính quyền TP cam kết song song với việc cải thiện môi trường đầu tư phát triển kinh tế, TP cũng tập trung cải thiện môi trường sống ngày một tốt hơn…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết TP vừa cải tạo môi trường đầu tư vừa cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn
Đừng để kẹt xe làm “tắc” kinh tế
Tại tọa đàm, các DN FDI bày tỏ mong muốn được hợp tác với TP.HCM để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên để phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng chính quyền TP.HCM cần phải thay đổi nhiều…
Ông John Rockhold – Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) – cho rằng, chính quyền TP cần nâng cao môi trường đầu tư. Yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi là pháp lý công bằng, minh bạch, coi trọng sự đổi mới – không chỉ để thu hút nguồn đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng nguồn đầu tư đang có sẵn. Bên cạnh đó, TP cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Giao thông là một hạn chế đáng kể của TP, đặc biệt là đối với sản xuất và du lịch.
“Ùn tắc giao thông trong và xung quanh TP ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và chất lượng cuộc sống”, ông John Rockhold nói.
Ông John Rockhold cũng đề xuất TP hỗ trợ chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao. Để đảm bảo lĩnh vực sản xuất của TP duy trì tính cạnh tranh và chuyển sang sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn, TP cần cải cách giáo dục, chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, khuyến khích tăng cường đầu tư công nghệ cao, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Song song đó TP cần khai phá toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số. Bởi TP không chỉ có tiềm năng mạnh mẽ để trở thành địa phương đi đầu trong các dịch vụ này mà TP còn là điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Á cho các công ty khởi nghiệp công nghệ đầy tính sáng tạo và đổi mới.
Cũng tại tọa đàm, đại diện các DN FDI cho biết họ rất quan tâm đến các giải pháp ưu tiên phát triển kinh tế xanh để có sự tăng trưởng bền vững. Trong đó bao gồm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, dòng nước, phát triển mảng xanh nâng cao chất lượng sống con người.
Ông Michele D’Ercole – Chủ tịch Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam – bày tỏ lo ngại: “TP.HCM đang gặp các vấn đề về xử lý nước, rác thải. Tôi sống và làm việc tại TP hơn 10 năm nay nhưng vẫn không thấy sự cải thiện triệt để vấn đề ô nhiễm tại một số dòng sông. Việc này cần khắc phục để đảm bảo môi trường sống; đồng thời còn tận dụng được tuyến giao thông đường sông trong bối cảnh tắc nghẽn giao thông đường bộ. Khi cơ sở hạ tầng và chất lượng sống tốt thì sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn”.
Đồng tình, ông John Rockhold nhấn mạnh, sức khỏe và an sinh là nền tảng, do đó TP.HCM nên lưu tâm nhiều hơn vào chất lượng không khí và kiểm soát vấn đề tiếng ồn như là hát karaoke vào tối muộn hay xây dựng và phá dỡ công trình lúc nửa đêm khiến người dân mất giấc ngủ. Nên mở thêm làn đường dành cho người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường sống
Mục tiêu đến năm 2025 của TP.HCM là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Và năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Nhằm đạt được mục tiêu, TP.HCM đã đưa ra 5 giải pháp, trong đó có việc phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, kết hợp khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế.
Lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài mong TP.HCM có chất lượng sống tốt hơn
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, TP đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, trong đó làm rõ trách nhiệm hành chính của các cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng công chức. Ngoài ra, TP cũng đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng thể chế. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để làm được những định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu và những vấn đề trọng tâm thể hiện trong nghị quyết, TP đang xin Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; trong đó có các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, đất đai, các ngành, lĩnh vực, thu hút các nhà đầu tư, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo… Đặc biệt cơ chế phân cấp, phân quyền để TP chủ động hơn trong việc giải quyết các thủ tục, khơi thông được hết các tiềm năng, nguồn lực phát triển mà trong đó TP đánh giá nguồn lực ngoài ngân sách từ các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, TP sẽ phát huy hệ thống trường ĐH-CĐ, trường nghề để tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của TP. Trong tiến trình này, TP mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài ở bậc giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, ĐH để TP tiệm cận được với trình độ nhân lực của quốc tế.
Về chuyển đổi số, TP xác định tập trung công việc trên 3 lĩnh vực: Chính quyền số; Kinh tế số; Xã hội số. Trong lĩnh vực này TP cũng mong được hợp tác với các DN đầu tư nước ngoài bằng những góp ý, kinh nghiệm và trực tiếp tham gia vào các dự án cụ thể.
Đối với cải thiện môi trường sống, ông Mãi cho biết, xử lý nước thải, rác thải, các điểm đen về môi trường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ách tắc giao thông là những nhận diện TP đang tập trung. TP có hơn 10 triệu dân và khách vãng lai đòi hỏi phải tập trung vấn đề này. Cải thiện môi trường sống tốt là việc rất quan trọng chứ không phải chỉ có làm kinh tế để tạo ra ngân sách…
Minh Phương
Bình luận (0)