Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Tham quan bằng xe trâu ở làng nghề gốm Bát Tràng.

Rất nhiều làng nghề VN đang lao đao vì có nguy cơ không thể tiếp tục duy trì sản xuất do không thu được lợi nhuận.

Một trong số những nguyên nhân dẫn đến điều này là hầu hết các làng nghề vẫn chỉ làm kinh tế đơn thuần, chưa biết kết hợp với việc phát huy các giá trị truyền thống để phát triển du lịch ngay tại làng nghề.

Những khó khăn của làng nghề

Chưa khi nào, những khó khăn của làng nghề VN được nhắc nhiều như thời gian qua. Những hội thảo, diễn đàn tìm biện pháp để tháo gỡ những khó khăn cho làng nghề liên tục được các cơ quan, ban ngành tổ chức để tìm giải pháp cứu làng nghề.
 
Ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN đưa ra những con số giật mình: Khoảng 60% các làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20% đang thoi thóp và 20% còn lại đã phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn NLĐ trong các làng nghề có nguy cơ mất việc làm, đặc biệt là những làng nghề truyền thống.

Theo thống kê, cả nước hiện có 2017 làng nghề với khoảng hơn 11 triệu lao động. Đây là lực lượng lao động hùng hậu góp phần trong việc phát triển kinh tế địa phương. Thực tế, khi làng nghề phát triển, đời sống của người dân được cải thiện hơn rất nhiều, nếu chỉ đơn thuần sống bằng nghề nông. Nhiều người đã trở thành tỉ phú từ việc kinh doanh các sản phẩm từ nghề truyền thống. Các làng nghề đã đem lại những giá trị, bản sắc văn hoá riêng cho từng vùng.

Nói về vai trò và những thành tựu mà làng nghề VN đạt được trong thời gian qua, ông Hồ Xuân Hùng – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: "Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Làng nghề VN đã giúp quảng bá hàng hóa VN với bạn bè quốc tế".

Khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay là việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng để vực dậy làng nghề. Bên cạnh đó, bài toán nhân lực cũng khiến những người có trách nhiệm hết sức đau đầu. Hầu hết nghệ nhân giỏi của các làng nghề đều là những người cao tuổi, trong khi lớp trẻ lại không mặn mà trong việc học nghề, đặc biệt là các nghề thủ công.

Giải pháp tháo gỡ

Làng nghề phát triển, đồng nghĩa với việc đời sống của người dân được cải thiện, tạo việc làm ổn định. Trong số những giải pháp đưa ra để giải cứu làng nghề, kế hoạch lâu dài để phát triển làng nghề cần gắn với phát triển du lịch. Đây là điều không mới với các nước trên thế giới, thậm chí nhiều làng nghề ở trong nước cũng đã tận dụng thế mạnh về văn hoá truyền thống để làm các tour du lịch từ lâu, nhưng chưa đem lại hiệu quả cao.

Nhiều làng nghề ở các nước trong khu vực Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… phát triển được là nhờ sự phối hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống. Các quốc gia này không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà mục tiêu là phát triển có kế thừa các văn hóa truyền thống cùng với những kinh nghiệm lâu đời truyền lại.

Ông Trần Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhận định: "Một số làng nghề cũng đã có những tour du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp đa ngành, đặc biệt là với chính quyền địa phương. Hiện nay việc khai thác vẫn còn khá manh mún".

Trong nỗ lực giúp làng nghề phát triển, ông Lưu Duy Dần – Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Làng nghề VN cho biết: Để làm tốt hơn nữa về hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch cần có các dự án, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề như: Gốm sứ:  Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Chu Đậu; thêu ren, dệt lụa, mây tre, đan: Hà Đông, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Sơn Đồng; tuyến Hà Nam – Ninh Bình – Nam Định thăm thêu Văn Lâm, chiếu cói Kim Sơn, nhà thờ Phát Diệm. "Tuy nhiên, để hình thành các tour du lịch hiệu quả, các làng nghề cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng thời cải thiện vấn đề môi trường" – ông Dần cho biết thêm.

Ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN: Các làng nghề cần chú ý đến thương hiệu

Trong nền kinh tế thị trường, thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Vì thế, để phát triển các làng nghề cần sớm có thương hiệu, bởi chỉ dừng lại ở nhãn hiệu thì đơn giản quá. Nhưng trước khi có thương hiệu, mỗi sản phẩm phải có bản sắc riêng biệt, phải có sức hấp dẫn với khách hàng và quan trọng là phải có độ ổn định về chất lượng sản phẩm. Bản thân các sản phẩm phải có những giá trị như thế thì người tiêu dùng mới tiếp nhận. Trong quá trình đó, nhờ tư vấn, xây dựng thương hiệu, để nhãn hiệu của mình đi vào trí nhớ của người tiêu dùng. Lúc đó, sản phẩm sẽ có thương hiệu và việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. S.L

 
Sơn Lâm (laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)