Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Phát triển loại vật liệu siêu nhẹ có độ bền cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Vật liệu "cấu trúc nano" mới dựa trên carbon hứa hẹn có thể trở thành lựa chọn thay thế tốt hơn thép, nhôm và sợi tổng hợp Kevlar.
Các kỹ sư từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Viện Công nghệ California (Caltech) của Mỹ và Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zürich) đã chế tạo một vật liệu siêu nhẹ mới – từ các cấu trúc carbon kích cỡ nanomet giống như "thanh chống" – cho độ bền cơ học và khả năng đàn hồi cao hơn.
Cấu hình mạng tinh thể của vật liệu nano mới.
Cấu hình mạng tinh thể của vật liệu nano mới.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra khả năng đàn hồi của vật liệu bằng cách bắn nó bằng các vi hạt silic oxit (có đường kính chỉ 14 micromet) ở tốc độ siêu thanh và nhận thấy rằng chỉ với độ dày mỏng hơn sợi tóc người, vật liệu đã có thể ngăn chặn đường đạn xuyên qua nó.
Tính toán cho thấy so với thép, nhôm, Kevlar và các vật liệu chống va đập khác có khối lượng tương đương, vật liệu mới cho khả năng hấp thụ tác động lực hiệu quả hơn nhiều. Nếu được sản xuất trên quy mô lớn, nó hoàn toàn có thể trở thành một sự lựa chọn thay thế với mức giá phải chăng.
"Kiến thức từ công trình nghiên cứu này có thể cung cấp các nguyên tắc thiết kế cho vật liệu chống va đập siêu nhẹ để sản xuất áo giáp, lớp phủ bảo vệ và lá chắn chống nổ trong lĩnh vực quốc phòng và vũ trụ", Giáo sư khoa học vật liệu, cơ học và kỹ thuật y tế Julia R. Geer tại Caltech, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Cấu trúc nano, tùy thuộc vào cách chúng được sắp xếp, có thể mang lại cho vật liệu những đặc tính độc đáo như độ nhẹ và khả năng phục hồi đặc biệt. Nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu về loại vật liệu này trong các điều kiện biến dạng nhanh như tác động của tốc độ cao.
Viên đạn silic oxit siêu nhỏ không thể xuyên qua tấm màng mỏng hơn sợi tóc từ vật liệu mới.
Viên đạn silic oxit siêu nhỏ không thể xuyên qua tấm màng mỏng hơn sợi tóc từ vật liệu mới.
Tại Caltech, họ lần đầu tiên chế tạo một vật liệu cấu trúc nano bằng cách sử dụng công nghệ in thạch bản hai photon – một kỹ thuật sử dụng tia laser nhanh với công suất cao để làm rắn chắc các cấu trúc nano trong một loại nhựa cảm quang. Sau đó, nhóm đã xây dựng thành công một cấu hình mạng tinh thể lặp lại, được gọi là tứ diện, bao gồm các thanh chống cực nhỏ.
"Trong khi carbon có đặc tính giòn, sự sắp xếp và kích thước nhỏ của các thanh chống trong vật liệu cấu trúc nano mới tạo ra một kiến trúc chịu uốn cong tốt giống như cao su", Phó giáo sư kỹ thuật cơ khí Carlos Portela tại MIT, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Sau khi tạo hình cấu trúc mạng tinh thể, các nhà nghiên cứu rửa sạch nhựa còn sót lại và đặt nó vào lò chân không nhiệt độ cao để chuyển polymer thành carbon, cuối cùng tạo thành vật liệu carbon siêu bền, nhẹ.
Trong tương lai, Portela có kế hoạch khám phá thêm các cấu hình cấu trúc nano khác nhau, cũng như các vật liệu ngoài carbon và tìm cách mở rộng quy mô sản xuất của chúng. Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Nature Materials hôm 24/6.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)