Năng lực và năng lực đọc hiểu văn bản là những khái niệm được đề cập, phân tích trao đổi nhiều trong giới nghiên cứu và giảng dạy gần đây. Nhiều vấn đề của dạy học môn ngữ văn đang đòi hỏi phải được xem xét, đánh giá một cách toàn diện. Một trong những vấn đề thiết yếu đó chính là năng lực đọc hiểu của người học.
Học sinh đọc tác phẩm văn học ở thư viện trường (ảnh minh họa). Ảnh: Hàn Giang
Thực trạng chung về dạy học đọc hiểu
Do đặc thù bộ môn, học sinh tiếp cận kiến thức văn học phải gắn liền với khả năng cảm thụ văn học. Để làm được điều đó, chúng ta phải hình thành và nâng cao ở học sinh năng lực đọc hiểu văn bản nghệ thuật. Dù ở hai phạm trù khác nhau nhưng đọc hiểu là một hoạt động nhận thức. Đối tượng của nó là giá trị thẩm mỹ tác phẩm, tiến trình nhận thức này chỉ xảy ra khi có sự tương tác giữa văn bản với người đọc. Đọc hiểu là điều kiện để cho người học có khả năng giao tiếp hiệu quả đối với mạng lưới xã hội. Từ trước đến nay, việc dạy học đọc hiểu văn bản trong trường THPT từ phía người dạy lẫn người học đều có những mặt tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khác. Dễ thấy nhất là tình trạng dạy học theo khuôn mẫu – kinh nghiệm như đọc chép, giảng dạy với tính hàn lâm chuyên ngành… Về phía người học vẫn còn tình trạng học thụ động, thiếu sáng tạo vì hoàn toàn mất năng lực đọc hiểu văn bản văn học. Hoặc là các em không biết tự học vì mất kiến thức căn bản của bộ môn, hay là học tập thiếu sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò dẫn đến người học bị hạn chế các kỹ năng đọc hiểu cần thiết. Trước hết, phương pháp dạy học cũ không thoát ra được diễn giảng, bình luận, phân tích. Phương pháp dạy này đã kìm tỏa năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh. Khái niệm đọc chỉ bó hẹp trong phạm vi đọc thông, đọc lướt, đọc thầm, đọc diễn cảm…, chưa tiệm cận đến bản chất và cấu trúc của phép đọc. Tiếp đến, việc ra đề thi chỉ khoanh vùng ở bộ phận nghị luận văn học với chừng ấy tác phẩm, chừng ấy yêu cầu (phân tích, bình luận) khiến học sinh và giáo viên coi trọng tâm lý học thuộc, học tủ, dạy học theo mô hình kinh nghiệm. Cũng do nền giáo dục chú trọng thi cử, kiểm tra với tâm lý xem trọng bằng cấp đã tạo ra quán tính của tư duy là lựa chọn mô hình sư phạm lấy giáo viên làm trung tâm chứ chưa xem học sinh là chủ thể của hoạt động học văn, chưa tạo cho các em tính chủ động trong học tập. Bên cạnh đó, với quan niệm không xem dạy học tác phẩm văn học là dạy học đọc văn – một hoạt động có quy luật riêng – mà chỉ chú trọng lấy kinh nghiệm của giáo viên và các sách định hướng bài giảng làm kim chỉ nam cho tiến trình dạy học. Do chưa có nhận thức đúng về bản chất của việc dạy học đọc hiểu cho nên chưa có hệ thống phương pháp, kỹ thuật dạy đọc văn bản hữu hiệu. Yêu cầu của đề thi, đề kiểm tra quá nghèo nàn, còn mang tính công thức vì chỉ quanh quẩn với những tác phẩm hiện đại đã học. Nên đối với những tác phẩm chưa học hoặc tác phẩm hiện đại, các em cảm thấy xa lạ không thể nào cảm thụ được. Điều này thể hiện rõ nhất trong các hoạt động ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi, nhằm học để thi. Cách thi, kiểm tra bài làm văn chỉ chú trọng đến phần cho điểm. Khâu chữa bài và hướng dẫn học sinh tự sửa bài bị coi nhẹ cũng góp phần dẫn đến tình trạng kỹ năng viết bài, lập luận, diễn đạt của các em quá yếu.
Biện pháp và những kiến nghị
Để đảm bảo yêu cầu phát triển năng lực đọc hiểu văn bản văn học, theo tôi, nên đổi mới từ các phương diện sau. Trước hết là quan niệm về giáo dục mà cụ thể là khái niệm dạy học. Theo đó, dạy học không chỉ là hoạt động giảng dạy mà còn có khái niệm học. Hoạt động học phải lấy học sinh làm tiền đề để các em có kinh nghiệm được học. Không chỉ thuyết trình, giảng giải, giáo viên còn cho học sinh kiến tập, thực hành và tiến hành rút kinh nghiệm. Về phương pháp, giáo viên phải triển khai dạy học nêu vấn đề, có như vậy mới kéo học sinh vào quá trình tư duy tích cực. Chẳng hạn ở truyện “Tiễn dặn người yêu” ta thấy: Tại sao cùng chịu nỗi cùng cực mà cô gái Thái lại cam chịu chứ không hề có ý định tự tử như Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ”? Nếu chịu khó đặt ra những câu hỏi có tính vấn đề và tính thách đố, chắc chắn tiết học ngữ văn sẽ trở nên sinh động hơn rất nhiều. Phương pháp dạy học theo dự án rất hữu hiệu vì giúp học sinh phát triển các năng lực cần thiết như tổng hợp, phân tích, lập luận có logic, sáng tạo và khả năng ghi nhớ. Với trình độ học sinh THPT, dự án có thể là những bài tập nhỏ như phân tích nhân vật, so sánh một phương diện nào đó trong tác phẩm, sưu tầm tư liệu tác giả… Phương pháp đóng vai (sắm vai) với các hình thức: Nhập vai người kể chuyện (ví dụ giáo viên đưa ra câu hỏi: Em có đồng ý với Nam Cao trong việc để Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát như vậy không?), đóng vai nhân vật (đặt câu hỏi: Nếu là An Dương Vương, em sẽ suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân khi làm mất nước?), đóng kịch, ngâm thơ, vẽ tranh theo tưởng tượng bản thân (ra yêu cầu: Hãy diễn tả lại hành động của anh chàng mặc áo mới trong truyện cười “Lợn cưới áo mới”). Cao hơn nữa là hình thức thực hiện một đề tài nghiên cứu nhỏ để học sinh báo cáo, thuyết trình về một khía cạnh nào đó của tác phẩm đã học trong chương trình, qua đó các em làm quen với không gian học thuật, nghiên cứu khoa học. Rõ ràng năng lực đọc hiểu là năng lực cơ sở đối với học sinh THPT trong tiến trình dạy văn – học văn. Đây được coi là điểm mấu chốt để quá trình dạy học bộ môn ngữ văn thành công trên tinh thần đổi mới của chương trình học.
TS. Nguyễn Thị Thanh Lâm
(Trường ĐH Đồng Nai)
Bình luận (0)