Chương trình nặng, trước mỗi kỳ thi thầy trò phải cùng nhau tập trung khảo bài. Ảnh chụp tại một trường THCS ở TP.HCM |
Chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) sau 2015 sẽ chuyển từ chú trọng nội dung như hiện nay sang chú trọng phát triển năng lực của người học. Đó là kim chỉ nam dẫn đường toàn bộ quá trình đổi mới CT-SGK sắp tới. Nhưng với một từ “năng lực”, làm thế nào để thay đổi được toàn bộ chất lượng dạy và học hiện nay?
Đừng hy vọng thay đổi được ngay
CT-SGK là những công cụ để hình thành nên phông kiến thức của người học. Chính vì vậy, ở mỗi cấp học, CT sẽ yêu cầu người học phải đạt đến trình độ nào. Đánh giá về CT-SGK hiện hành, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTTN&NĐ) Quốc hội cho biết: CT giáo dục phổ thông hiện hành không phải được xây dựng trên cơ sở định hướng tiếp cận nội dung như mọi người vẫn nghĩ mà đã xác định yêu cầu phát triển năng lực của người học. Tại Hội nghị thảo luận về Đề án đổi mới CT-SGK do UBVHGDT TN&NĐ tổ chức năm ngoái, GS. Thuyết cũng đã trích dẫn mục tiêu của CT môn ngữ văn hiện hành để chứng minh điều này. Từ đó, trong các văn bản của Bộ GD-ĐT không thấy “phê” CT hiện hành là CT theo định hướng tiếp cận nội dung nữa. Nhưng SGK hiện hành thì không phải nội dung nào, cuốn sách nào cũng đạt được yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh (HS), vì điều đó phụ thuộc nhận thức, khả năng của người viết. Mặt khác, trong việc triển khai CT-SGK, không phải giáo viên (GV) nào cũng hiểu đúng và thực hiện được quan điểm phát triển năng lực. Ví dụ, riêng môn tiếng Việt ở tiểu học, Bộ GD-ĐT đã cấm GV áp đặt văn mẫu cho HS. GS. Thuyết khẳng định: “Khi biên soạn sách GV lớp 2, lớp 3, cuốn nào chúng tôi cũng cho in mấy dòng chữ đậm: GV tuyệt đối không yêu cầu HS viết một bài văn hoàn chỉnh; chỉ cần viết được 5-7 câu đúng, sắp xếp một cách hợp lý là đạt loại giỏi. Nhưng thực tế, phụ huynh cũng như bạn bè tôi có con cháu đi học đều phản ánh nhiều GV lớp 2, lớp 3 vẫn yêu cầu tả bà, tả ông trong khi chúng tôi chỉ yêu cầu nói về bà, nói về ông bằng 5-7 câu đúng, còn nói thế nào là tùy mỗi HS. Đối với HS lớp 4, trọng tâm là viết đoạn văn, lớp 5 mới viết bài văn. Nhưng nhiều GV luôn yêu cầu HS phải vượt yêu cầu của SGK”.
Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm một khó khăn cũng rất lớn của CT-SGK hiện hành là nó được triển khai trong điều kiện rất hạn chế nên không phát huy được ưu điểm của mình. Lớp học ở đô thị thường quá đông, GV khó mà tổ chức cho HS hoạt động như yêu cầu của phương pháp dạy học mới được. Ở nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa thì nhiều nơi cơ sở vật chất trường lớp quá nghèo nàn, nói thẳng ra là không đủ điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng giáo dục. Khó khăn này sẽ còn tồn tại trong nhiều năm nữa. CT mới cũng sẽ phải chịu thử thách này. Có thể 10 năm nữa nhìn lại, ta lại thấy không bằng lòng với CT-SGK mới đang xây dựng. “Chính vì vậy, tôi xin cảnh báo trước để người dân cũng như ngành giáo dục đừng hy vọng chỉ cần đưa ra hai chữ “năng lực” là sẽ thay đổi được tất cả” – GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Khó nhất là thay đổi nhận thức
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), số đông đội ngũ nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập về nghề nghiệp lại không được đào tạo chính quy từ trong trường sư phạm về tay nghề, đủ năng lực để có thể phát triển năng lực người học. Lâu thành tật, nhà giáo chủ yếu được giao giảng lại kiến thức SGK và luyện thi kiểu bắt chước, học thuộc. Một khó khăn khác mà TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra đó là quá trình hình thành năng lực chính là quy trình phát triển nhân cách toàn diện của HS. Sản phẩm của nhà giáo là sự phát triển nhân cách của người học qua từng cấp học. Quá trình giáo dục bồi dưỡng năng lực là quá trình tác động sư phạm của nhà giáo phải đúng quy luật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn.
Tại Hội thảo quốc tế phát triển năng lực người học trong bối cảnh hiện nay do Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, muốn đổi mới giáo dục trong đó để phát triển năng lực người học thì lâu nay cái khó nhất để thay đổi nhận thức là giải đáp được câu hỏi tại sao phải đổi mới, và đổi mới phải tiếp cận như thế nào? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, thực ra không phải thay đổi mục tiêu giáo dục, nếu trước đây nghĩ đơn giản cứ có kiến thức thì có năng lực, nên tập trung nhiều vào truyền thụ kiến thức, truyền được nhiều kiến thức tốt nhất chỉ là đọc cho trò chép. Bây giờ nhận thấy, năng lực không phải chỉ có kiến thức, kiến thức đồng ý là cơ bản nhưng ngoài ra còn nhiều yếu tố khác. Một nhóm yếu tố đó tạm được gọi như ông Hiển nói là “giá trị con người, niềm tin, đạo đức, động cơ, hứng thú…”. Theo ông Hiển, chúng ta vẫn hay nói nội dung giáo dục kiến thức cơ bản liên hệ với thực tiễn, đảm bảo tính hiện đại, điều này nói nhiều nhưng chưa làm được. Lí do, ông Hiển nhận định có thể do nhận thức, vì muốn truyền đạt được nhiều nội dung nhưng lại không chọn được nội dung cơ bản.
Phát triển năng lực người học, khái niệm không mới nhưng ở Việt Nam chúng ta mới đang từng bước để tiến tới điều này.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)