Tại Cần Thơ vừa diễn ra Hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh doanh nghiệp ĐBSCL bằng các giải pháp sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả, phát triển bền vững trong bối cảnh hồi phục kinh tế hậu Covid-19”.
Theo số liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH), ĐBSCL là một trong những vùng bị tác động lớn nhất do BĐKH. Các chuyên gia ước tính, thiệt hại do BĐKH có thể lên đến 10% GDP của Việt Nam (tương đương 15 tỷ USD) giai đoạn 2007-2050. Để ứng phó với rủi ro thiên tai, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trong đó giải pháp cơ bản là Thuận thiên (Lợi thế tự nhiên, bảo vệ hệ sinh thái môi trường) và Thuận nhân (Kinh tế, xã hội). Để thực hiện, một trong những giải pháp quan trọng là sử dụng điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) (điện gió, điện mặt trời…) trong sản xuất, kinh doanh để giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Vùng ĐBSCL có nhiều thuận lợi để thực hiện các nguồn NLTT. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tiềm năng tổng công suất điện mặt trời của vùng có thể lên tới 136.275MW, lượng điện ước tính đạt 216,5 tỷ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỷ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng. Nhiều địa phương trong vùng đang dịch chuyển dần sang phát triển NLTT, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Và nhiều DN cũng phát triển NLTT để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH đã được chứng minh từ những mô hình sản xuất “thuận thiên”. Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ – nhận định: “DN sử dụng NLTT đã góp phần thúc đẩy trách nhiệm xã hội, tăng cường uy tín và là cơ hội để quảng bá đến nhà đầu tư. NLTT giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, giảm chi phí vận hành, góp phần ổn định lưới điện và sản xuất, thu hút các nhà đầu tư đến với ĐBSCL”.
Tuy nhiên do chi phí đầu tư cao để xây dựng hệ thống và trang bị máy móc nên không dễ để nhân rộng giải pháp NLTT trong các DN. Cùng với đó là ngành điện không mua điện dư từ điện mặt trời áp mái nhà đã gây lãng phí rất lớn và là điểm nghẽn đối với những DN muốn thực hiện sản xuất xanh. Theo đó, các đại biểu đề xuất Nhà nước sớm ban hành cơ chế mua bán điện từ các dự án NLTT góp phần giúp các DN phát triển bền vững, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; và trên hết góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ra mắt Ban điều hành “Mạng lưới DN thích ứng với BĐKH ĐBSCL”. Theo đó mạng lưới này được thành lập nhằm liên kết để phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng với BĐKH, chủ động giảm thiểu các nguy cơ tác động tiêu cực do BĐKH gây ra.
Đan Phượng
Bình luận (0)