Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phát triển nghề nuôi động vật hoang dã

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay cả nước có trên 4.000 cơ sở nhân nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) với gần 2 triệu cá thể, gồm lớp ếch nhái, bò sát, chim, thú, với 136 loài. Phần lớn là các loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn, giá trị kinh tế cao như: cá sấu, rắn hổ mang, ba ba, kỳ đà, tắc kè, trăn, hươu, nai, heo rừng, mang, nhím… Hiện nay các nước trên thế giới đang tăng cường liên kết nhằm đấu tranh với những hoạt động vật, buôn bán bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã trên thị trường quốc tế.
Thế mạnh chưa được tận dụng 
Việc nhân nuôi, chế biến, buôn bán các loài ĐVHD (hợp pháp lẫn bất hợp pháp) cung ứng cho thị trường không ngừng gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và sự giao thương giữa các quốc gia ngày càng tăng. Có thể nói, sản phẩm từ các loài ĐVHD được nhân nuôi sẽ dần thay thế các sinh vật từ tự nhiên ngày càng suy kiệt. Đây là thế mạnh của các nước giàu tài nguyên đa dạng sinh học, trong đó có Việt Nam.


Sản phẩm chế biến từ da cá sấu tại Làng cá sấu Sài Gòn quận 12 TPHCM. Ảnh: CÔNG PHIÊN

 

Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội về sản phẩm từ ĐVHD, hoạt động nhân nuôi các loài hoang dã tại Việt Nam cũng được phát triển mạnh cả về số lượng và số loài. Phần lớn các sinh vật từ ĐVHD trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc từ gây nuôi và đang dần thay thế những sinh vật có nguồn gốc từ tự nhiên, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế ở địa phương, tác động tích cực tới công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học và môi trường. Đó là nuôi hươu sao ở Quỳnh Lưu, Hương Sơn (Nghệ Tĩnh), nuôi nai (ở Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), nuôi khỉ (ở đảo Rều, Quảng Ninh), làng nghề cá sấu ở TPHCM, nuôi rắn (ở Vĩnh Sơn, Phú Thọ), nuôi ếch, ba ba ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, nuôi voi ở Bản Đôn…

Đây là những kinh nghiệm làm cơ sở cho việc tổ chức hướng dẫn chăn nuôi một số loài ĐVHD quy mô hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao. Để việc nhân nuôi các loài hoang dã một cách bền vững, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan, trong đó đặc biệt quan trọng là giữa các cơ sở nuôi với cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội, các tổ chức về bảo tồn quốc tế và toàn thể cộng đồng.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, so với các nước, việc gây nuôi ĐVHD ở nước ta còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa phải là ngành sản xuất hàng hóa để có thể trở thành một ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn, kết hợp gây nuôi, kinh doanh, bảo tồn với du lịch như các nước châu Âu (Nga, Đức, Hungari, Bungari, Ba Lan, Pháp), các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar), các nước Đông Phi… Chưa thực hiện đúng hướng dẫn, quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Phương pháp nuôi đơn giản, chủ yếu là nuôi nhốt, chưa phù hợp với điều kiện sinh thái nhiệt đới, chưa chủ động nguồn thức ăn cho động vật nuôi, chưa có biện pháp phòng và chữa bệnh, chưa kết hợp với kỹ thuật công nghệ sinh học trong nhân nuôi, sinh sản cũng như vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn trong nhân nuôi, ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý, sinh thái của vật nuôi. Nhà khoa học còn đứng ngoài khá nhiều thay vì cùng vào cuộc.
Nuôi ĐVHD ở Việt Nam còn mang tính phong trào, mấy năm trước rộ lên phong trào nuôi heo rừng, nay là phong trào nuôi nhím. Thu nhập những người khai phá bao giờ cũng rất cao, lên đến hàng tỷ đồng/năm, nhưng chủ yếu nhờ bán con giống. Sự thiếu hiểu biết về kiến thức nền như sinh học, sinh thái học, kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng chữa bệnh, kể cả những quy định của pháp luật khiến người nuôi thường gặp rủi ro.
Gắn với bảo tồn sinh học

Theo Chi cục Kiểm Lâm TPHCM, có hơn 230 tổ chức và cá nhân gây nuôi động vật hoang dã. Trong đó, có 58 tổ chức và cá nhân nuôi cá sấu với hơn 186.000 con, 15 tổ chức và cá nhân nuôi hơn 14.000 con trăn, 79  tổ chức nuôi 324 con gấu, 114 hộ nuôi 4311 con nhím, 57 hộ nuôi 563 heo rừng lai, 7 hộ nuôi 410 cầy vòi hương, 6 hộ nuôi 10.457 con rùa các loại, 4 doanh nghiệp nuôi 332.700 con bò sát (bò cạp, kỳ sừng, tắc kè, thằn lằn mối), 5 hộ nuôi trên 28.500 con rắn (rắn ri voi, ráo trâu, hổ mang, bông súng…), 5 tổ chức và cá nhân nuôi trên 400 khỉ đuôi dài; 8 hộ nuôi kỳ đà…    

Không ít người đã lợi dụng việc gây nuôi ĐVHD nhằm hợp thức hóa hành động săn bắt thú rừng. Mỗi năm các cơ quan chức năng bắt, xử lý khoảng 1.300 vụ vi phạm, tịch thu trên 20.000 cá thể động vật hoang dã các loại làm cho số lượng nhiều loài ĐVHD quý hiếm giảm sút nghiêm trọng như hổ, gấu… Một số loài không còn tìm thấy trong thiên nhiên như heo vòi, tê giác hai sừng, bò xám…
Việc tổ chức gây nuôi một số loài ĐVHD có giá trị bảo tồn và các loài có giá trị kinh tế đang bị giảm sút về số lượng ở Việt Nam là việc làm cần thiết, dựa trên nguyên tắc nhân nuôi ĐVHD gắn với việc bảo tồn nguồn gen, không làm suy giảm số lượng các loài ĐVHD có giá trị kinh tế, các loài đang bị đe dọa, mà còn tạo điều kiện cho số lượng của các loài ĐVHD phát triển qua nhiều thế hệ để phục hồi lại số lượng một số loài hiện nay có nguy cơ tuyệt chủng.

Vấn đề này cần được đặt ra dưới nhiều hình thức như nhân nuôi ở các trạm cứu hộ động vật, các trang trại, hộ gia đình, khu du lịch sinh thái… Nhờ đó, nguồn tài nguyên động vật hoang dã mới có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ việc bảo tồn quỹ gen hoang dã.
Theo tiến sĩ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục Lâm nghiệp, việc gây nuôi, bảo tồn ĐVHD không phải là nghề bình thường mà phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế Cites. Cần nhìn nhận việc gây nuôi ĐVHD và nghiên cứu sâu hơn, cũng như hoàn thiện các văn bản pháp luật. Tăng cường chế tài người nuôi ĐVHD cố tình vi phạm, ủng hộ những người, tổ chức gây nuôi vì bảo tồn.
CÔNG PHIÊN / SGGP

Bình luận (0)