Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phát triển nguồn nhân lực KHXH&NV trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là chủ đề của Hội thảo Khoa học Quốc gia vừa diễn ra do Trường Đại học Văn Hiến phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một đồng tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp để phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục

Sau khi thông báo về mục đích của cuộc hội thảo quốc gia, Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 bài viết của các giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ các Trường Đại học, các viện nghiên cứu. Trong đó, Ban Tổ chức đã chọn được 32 bài viết để đưa vào kỷ yếu. Nội dung các bài viết đề cập tới nhiều vấn đề trong nghiên cứu, đào tạo và quản lý trong lĩnh vực KHXH&NV trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế-xã hội và hội phập toàn cầu hiện nay.

Tại Hội thảo, các tham luận sẽ được thảo luận về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu; Đóng góp các giải pháp nhất định cho những vấn đề liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn…“Tư duy của một số nhà quản lý luôn xem khoa học xã hội chỉ là bình hoa trang trí, là hình thức của sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế khoa học xã hội là để phục vụ cho con người, cuộc sống chứ không phục vụ cho nền kinh tế thị trường. Nó đóng góp rất lớn cho xã hội, tác động sâu rộng và thay đổi toàn bộ nền kinh tế – xã hội giúp đất nước đổi mới”, GS.TS Đặng Nguyên Anh – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Việc định hướng nghề nghiệp, tương lai cho các sinh viên KHXH&NV khi ra trường vẫn là vấn đề 'nóng' trong Hội thảo

Việt Nam là nước có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, đang ngày càng được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao về trình độ và chuyên môn tay nghề. Tuy nhiên trong bối cảnh cách mạng khoa học kĩ thuật đang phát triển như vũ bão, cách mạng 4.0 đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống thì ưu thế về lao động dồi dào, giá rẻ không còn chiếm ưu thế nữa.

Với những hạn chế về thể lực, trí lực, năng suất lao động thấp, kĩ năng mềm yếu… của nguồn nhân lực nước ta đòi hỏi chúng ta cần phải làm tốt công tác giáo dục đào tạo, xem giáo dục đào tạo là nhân tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta để hội nhập quốc tế. Vì thế, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài của nhiều quốc gia đáng chú ý tại những quốc gia đang phát triển.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2015, trong một năm có khoảng 350 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng với hơn 2.500 đầu việc cho nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn. Có chuyên gia cho rằng như vậy nhu cầu tuyển dụng là khá cao. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành khoa học xã hội nhân văn không chỉ từ các nhóm ngành dịch vụ mà còn ở nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế. Tuy nhiên, theo bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc Dịch vụ tìm kiếm và tuyển dụng (Công ty cổ phần Le&A), nhu cầu tuyển dụng thật sự với ngành này hiện rất nhỏ giọt. Nguyên nhân là các doanh nghiệp theo hướng tối ưu hóa các vị trí cần nhân sự có chuyên môn rõ ràng. Trong khi ngành khoa học xã hội nhân văn lại đào tạo kiến thức chung chung, khó áp dụng trong thực tế quản trị tại doanh nghiệp. Theo TS Phạm Mạnh Hà, ĐH QG Hà Nội, kết quả một cuộc khảo sát các sinh viên đang theo học năm thứ 4, thứ 5 khối khoa học xã hội nhân văn tại một số trường ở Hà Nội, cho thấy: Chưa đầy 30% sinh viên rõ về công việc mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp, 70% còn lại chưa hề có ý niệm công việc tương lai. Nhiều sinh viên còn không biết học để làm gì và sau này những kiến thức được học áp dụng vào lĩnh vực nào”.

V.H

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)