Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát triển phải tính đến biến đổi khí hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh xã hội. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa, phát triển kiến trúc xây dựng ngày càng nhanh đã tạo ra một thách thức lớn đối với cuộc sống của con người. Thực trạng này đòi hỏi trong định hướng phát triển TP.HCM cần có sự tính toán, cập nhật điều kiện BĐKH, nước biển dâng vào các chương trình, kế hoạch quy hoạch để giảm thiểu tác động.


Tr
ng nhiu cây xanh là gii pháp góp phn chng biến đi khí hu. Ảnh: M.Ngọc

Nhiều quận, huyện sẽ ngập triền miên

Tác động của BĐKH ở TP.HCM thể hiện rõ đó là lượng mưa trung bình, nước biển dâng có xu hướng gia tăng. Rõ nhất đó là xảy ra nhiều trận mưa cực đoan gây ngập nặng nề. Theo kết quả mô phỏng với các kịch bản BĐKH được Bộ Tài nguyên – Môi trường xây dựng chung cho cả nước, các khu vực ngập nặng nhất là huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè với diện tích ngập lần lượt là 690ha, 356,1ha, 112,45ha. Do diện tích lớn hơn 67.000ha nên tỷ lệ ngập của Cần Giờ chỉ khoảng 1,02%, trong khi Bình Chánh có tỷ lệ ngập lớn nhất TP – 1,41%. Đối với khu vực nội thành, quận 12, TP.Thủ Đức (Q.2 và Q.Thủ Đức (cũ)) là khu vực ngập nặng nhất với diện tích ngập lần lượt là 51,42ha, 51,6ha, 43,45ha tương đương 0,94%, 1,04%, và 0,91% diện tích mỗi quận. Ngập xảy ra thường xuyên đã tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đến xã hội, y tế, sức khỏe, giao thông, giáo dục, việc làm…

TS. Cấn Chu Văn – Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM – cho rằng, ngập liên tục xảy ra rộng sẽ khiến gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; trong hoàn cảnh này, người nghèo bị tác động nhiều nhất. Mặt khác, nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến chế độ thủy lực trong sông và khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng, gây nên những sự thay đổi so với hiện trạng. Sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng – sông Sài Gòn và hồ Trị An – sông Đồng Nai sẽ gây tác động không nhỏ cho các nguồn lấy nước của các nhà máy nước ở TP.HCM.

Theo các nghiên cứu, TP.HCM là một trong 10 TP hàng đầu trên thế giới với số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi BĐKH. Ngoài khí hậu cực đoan đã và đang diễn ra thường xuyên hơn, phức tạp thì TP.HCM hiện đang có những điều kiện bất lợi, đó là 40-45% diện tích đất nằm trong độ cao từ 0-1m, 15-20% trong độ cao từ 1-2m so với mực nước biển. Cùng với đó, dân số đông, không ngừng gia tăng; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Hội Kiến trúc sư TP.HCM – cho biết, nền đất TP.HCM đang sụt lún liên tục. Nếu ở những vùng lún 1cm/năm và nước biển dâng lên 0,5cm/năm, cộng lại 1,5cm/năm thì sau 30 năm chênh giữa mặt đất và nước biển lên tới 45cm. Lúc đó tất cả cống thoát nước sẽ không chảy được nữa và nằm dưới mực nước biển.

“Mực nước biển dâng gây ngập, ảnh hưởng đến cao độ nền xây dựng của TP nên nhiều nơi có nền nhà xây mới cao hơn rất nhiều so với vỉa hè nhằm tránh ngập. Ngược lại một số nơi mặt đường nâng lên cao dẫn đến nền nhà hiện hữu thấp hơn đường”, ông Lưu nói.

Ngoài những tác động của BĐKH nói trên, TP.HCM đang chịu tác động trước phát thải khí nhà kính bởi các tòa nhà cao tầng, sử dụng nhiều máy điều hòa làm gia tăng lượng tích tụ khí CO2 khiến hệ sinh thái bị biến đổi, trong đó có hạn hán, ngập lụt.

20m đường giao thông phải có 1 cây xanh

Đây là góp ý của ông Nguyễn Trường Lưu.

Có thể thấy, BĐKH đang tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, trong định hướng phát triển, TP.HCM cần phải có sự tính toán, cập nhật điều kiện BĐKH, nước biển dâng vào các chương trình, kế hoạch quy hoạch để giảm thiểu tác động xấu của BĐKH.

Theo đó ông Lưu cho rằng, TP cần quan tâm phát triển hệ thống cây xanh để điều hòa không khí, giảm ô nhiễm, giảm lượng CO2 giúp cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng đời sống. Hiện cây xanh TP chỉ đạt tỷ lệ 0,55m2/người và đang phấn đấu từ nay đến 2025 đạt 0,65m2/người. Mỗi gia đình, ngôi nhà, mỗi dự án đều quan tâm đến cây xanh, trồng cây xanh thì TP sẽ sớm có một không gian xanh tươi…. “TP đang có khoảng 3.600km đường, trong đó đường có vỉa hè đủ lớn để trồng cây xanh chiếm khoảng 30%. Nếu cách khoảng 20m trồng 1 cây xanh thì TP sẽ có 108.000 cây. Trung bình đường kính 1 tán cây rộng 5m sẽ có 19,6m2 tán lá. Như vậy TP có khoảng 2,1 triệu mảng xanh, đạt tỷ lệ 0,21m2/người”, ông Lưu nêu.

Ông Văn cũng góp ý, cần lập bản đồ rủi ro với các đặc trưng cực đoan khí hậu khác nhau, nâng cao năng lực dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm. Cùng với đó, tăng cường nhận thức cộng đồng về BĐKH; có những cải thiện biện pháp tiết kiệm nước, hệ thống thu gom lưu trữ nước mưa, nước ngầm, nâng cấp hệ thống thủy lợi và cấp thoát nước; xây dựng chính sách và cơ chế quản lý rủi ro thiên tai do BĐKH.

“Để đạt được mục tiêu, TP phải hướng tới một hệ thống hạ tầng kỹ thuật tích hợp và thông minh theo điều kiện BĐKH, nước biển dâng, địa hình và diện mạo đặc trưng của đô thị, điều kiện thực tế, tận dụng quỹ đất hiệu quả với mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững”, ông Văn nói.

Ngoài các biện pháp trên, PGS.TS Lưu Ngọc Tố Tâm – Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM – nêu ý kiến, TP cần xây dựng chủ trương chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia, điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế của xã hội mới bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó, hệ thống văn bản pháp lý quy định chi tiết và đầy đủ trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động ứng phó BĐKH. Đồng thời, xây dựng cả những cơ chế, chính sách tạo điều kiện, kích thích đầu tư phát triển nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, mạnh mẽ, TP cũng phải chú ý xây dựng quy hoạch một cách khoa học hệ thống thoát nước, chống ngập do mưa, triều cường. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo hệ thống thoát nước, quyết liệt trong việc san lấp các kênh rạch và hệ thống thoát nước tự nhiên; đồng thời tiến hành thường xuyên công tác nạo vét khơi thông dòng chảy và lấy chỗ trữ nước.

“Bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị môi trường luôn là vấn đề trọng tâm mà pháp luật môi trường hướng tới nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu nhân nhượng quá nhiều cho một nền kinh tế phát triển nhanh và nóng thì chính yếu tố đầu vào và đầu ra là môi trường sẽ quá sức chịu đựng, điều này tác động xấu đến con người”, bà Tâm nói.

Minh Ngc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)