Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 khuyến khích trường THCS và THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để “tải” hết mục tiêu của chương trình là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Tại TP.HCM, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các trường triển khai đa dạng với nhiều cách thức, trải nghiệm. Điều này là thuận lợi để nhà trường thúc đẩy hiệu quả học tập, giúp học sinh có thêm thời gian tương tác với kiến thức và tham gia vào hoạt động học tập một cách tương thích với môi trường học tập hiện đại.
Nâng cao chương trình cho học sinh theo môn học lựa chọn
Thời khóa biểu 2 buổi/ngày của các khối ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) khá đa dạng, áp dụng theo từng lớp với các môn học lựa chọn tương ứng. Trong đó, thời lượng dạy học 2 buổi/ngày của trường được “cá nhân hóa” đến từng lớp với thời lượng phân bổ số tiết tăng thêm phù hợp, hài hòa ở các bộ môn khác nhau. Với riêng học sinh khối 12, thời lượng buổi 2 được bám sát, nâng cao ở các môn mà học sinh chọn thi tốt nghiệp THPT.
Làm rõ hơn, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) nêu ví dụ, ở lớp 10A1 với nhóm môn học lựa chọn là vật lý, hóa học, tin học và địa lý. Học sinh trong lớp có xu hướng chọn học khối truyền thống là toán, vật lý, hóa học để tham gia thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH. Vì vậy, kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của lớp được nhà trường tính toán đảm bảo số tiết tăng thêm đối với các môn học này, song không vượt quá thời lượng 8 tiết/ngày. “Theo quy định của Chương trình GDPT 2018, các môn toán, ngoại ngữ có thời lượng 3 tiết/tuần đối với lớp 10; môn vật lý, hóa học có thời lượng 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, hiện nay với lớp 10A1, thời lượng môn toán được tăng lên 6 tiết/tuần; ngoại ngữ 4 tiết/tuần; vật lý, hóa học – mỗi môn có thời lượng 4 tiết/tuần. Như vậy, số tiết tăng thêm được nhà trường tính toán từ thời lượng dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng sát sườn quyền lợi học tập của học sinh gắn liền với các môn mà học sinh có xu hướng chọn thi tốt nghiệp THPT”, thầy Phú phân tích.
Bên cạnh đó, theo thầy Phú, thời lượng học 2 buổi/ngày còn được nhà trường triển khai đa dạng các câu lạc bộ theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh, bao gồm: học thuật, kỹ năng, sân chơi rèn luyện thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học. “Chiều thứ ba, thứ năm và thứ bảy, nhà trường không tổ chức dạy văn hóa mà dành riêng cho hoạt động phát triển kỹ năng học sinh. Tùy theo nhu cầu và sở thích, các em sẽ vào trường để sinh hoạt, rèn luyện với sự hướng dẫn của giáo viên và các chuyên gia phù hợp”, thầy Phú cho biết thêm.
Mới đây, học sinh các lớp 7/2, 7/4, 7/6, 7/8 của Trường THCS Minh Đức (Q.1) rất hào hứng và thích thú khi tham gia chương trình học tập ngoại khóa tại Bưu điện TP.HCM và Đường sách TP.HCM. Chương trình được xây dựng dựa trên kế hoạch liên môn: ngữ văn, toán, mỹ thuật, tiếng Anh, tiếng Trung, giáo dục công dân, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và lịch sử – địa lý. Với chủ đề “Trải nghiệm để trưởng thành”, chương trình đã giúp học sinh lĩnh hội kiến thức bộ môn trong không gian mở đầy sáng tạo và giàu chất liệu thực tế.
Định hướng mang đến cho học sinh đa dạng các trải nghiệm gắn kiến thức môn học với thực tế cuộc sống, thời lượng dạy học 2 buổi/ngày được Trường THCS Minh Đức chú trọng nhiều ở các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Với thời lượng không quá 8 tiết/ngày, nhà trường linh hoạt tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường cho học sinh toàn trường và theo từng khối. Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, theo Chương trình GDPT 2018, học sinh học thông qua chính các trải nghiệm, chương trình cũng dành riêng thời lượng và hoạt động giáo dục trải nghiệm bắt buộc để hướng tới mục tiêu này. Do đó, thời lượng buổi 2 ngoài việc tăng cường kiến thức môn học bám sát và nâng cao theo kiến thức chương trình, nhà trường còn tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm ở từng môn chứ không chỉ dừng ở hoạt động giáo dục trải nghiệm. “Đơn cử như việc giáo dục cho học sinh về truyền thống văn hóa, nhà trường mời nghệ nhân ở các làng nghề (nặn tò he, thủ công mỹ nghệ, làm gốm…) về trường để chia sẻ và cho học sinh trải nghiệm thực tế. Đối với từng môn học, tổ bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch cho học sinh trải nghiệm, có thể trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, vừa giúp các em học kiến thức gắn với thực tế, vừa học được thêm những kỹ năng, kiến thức xã hội rất hữu ích”, cô An chia sẻ.
Tách biệt nội dung dạy học 2 buổi/ngày với chương trình nhà trường
Năm học 2024-2025, theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, HĐND TP.HCM, khoản thu dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THCS và THPT để tổ chức các hoạt động, gồm: Hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng theo mục tiêu yêu cầu cần đạt của các môn học theo kế hoạch tổ chức 2 buổi/ngày trong chương trình phổ thông từ 4 đến 8 tiết/tuần; các hoạt động giáo dục khác thuộc kế hoạch tổ chức 2 buổi/ngày (câu lạc bộ học thuật, năng khiếu, giáo dục STEM áp dụng cho tất cả các đối tượng học sinh…). Kế hoạch tổ chức 2 buổi/ngày không vượt quá 18 tiết/tuần ở bậc THPT và 12 tiết/tuần ở bậc THCS. Về mức thu, ở từng quận/huyện sẽ có những mức thu khác nhau, kế thừa mức thu trong năm học 2023-2024 và không tăng quá 15% (nếu có) trong năm học này. Thông thường, mức thu này dao động từ 250-300 ngàn đồng/học sinh/tháng ở từng bậc học, từng quận/huyện khác nhau.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nêu rõ, kinh phí thu và sử dụng kinh phí dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính, nguyên tắc thu bù chi và các quy định về quản lý tài chính hiện hành; công khai, minh bạch trong thu, chi. Nhà trường chỉ sử dụng nguồn kinh phí trong chương trình dạy học 2 buổi/ngày chi cho các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục trong kế hoạch 2 buổi/ngày của nhà trường. Khi thực hiện chương trình 2 buổi/ngày, nhà trường tuyệt đối không sử dụng thời lượng dành cho việc dạy học, giáo dục thuộc kế hoạch buổi 2 để thực hiện chương trình chính khóa cũng như thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh. Nội dung hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục phải cụ thể, rõ ràng, được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn; nội dung và hình thức tổ chức dạy học, giáo dục 2 buổi/ngày phải đa dạng, phong phú, có nhiều lựa chọn, tạo điều kiện cho tất cả học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động học tập, hoạt động giáo dục. Chương trình nhà trường cần tách biệt với nội dung dạy học buổi 2, tránh trường hợp thu phí 2 lần với cùng một hoạt động giáo dục.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)