Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 4-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM, Sở Văn hóa – Thể Thao TP.HCM đã thông tin về việc xây dựng Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 với mục tiêu phát triển TP trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.


Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP.HCM đã lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030 gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết, giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2020 giá trị sản xuất tăng hơn 2,1 lần so với năm 2010 nhưng do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên ngành công nghiệp văn hóa có giá trị sản xuất giảm so với năm 2019, doanh thu chỉ đạt 77.135 tỷ đồng

Đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,98%, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là ngành quảng cáo. Năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa có sự phát triển thấp, đạt 3,54% tổng GRDP của toàn TP. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 vào GRDP của toàn TP vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (cả nước phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP).

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia và khai thác các giá trị tiềm năng văn hóa thành dịch vụ, ngành kinh tế mũi nhọn. Tại Vương quốc Anh ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 5,5% tổng giá trị gia tăng ròng của quốc gia; nước Pháp ngành công nghiệp văn hóa thu hút đến 400 ngàn lao động, chiếm 8,5% năng lực sản xuất và 4% lao động của khu vực dịch vụ; Nhật Bản doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút khoảng 5% nhân công lao động trên toàn quốc; Đóng góp của công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc cho GDP đạt hơn 6%; Singapore là 3,2% GDP và tại Trung Quốc giá trị đóng góp của ngành chiếm khoảng 4,14% GDP…


Phấn đấu vào năm 2025 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP.HCM

Bà Thúy cho biết, mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của TP.HCM, gồm: Quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của TP, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. Xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của 8 ngành công nghiệp văn hóa.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)