Đến nay sau 1 năm thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, các đơn vị đã đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương…
Các phòng ban thuộc UBND TP.Thủ Đức ra quân tăng cường hoạt động phòng, chống dịch Covid-19
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chủ trương sắp xếp ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên, khó tạo đột phá phát triển, đòi hỏi phải có thêm chính sách; trong đó, TP.HCM sớm kiến nghị với Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.Thủ Đức.
Việc tăng mà người lại giảm
Hầu hết các sở ngành đều cho rằng, sau sắp xếp, ĐVHC mới có quy mô dân số và diện tích lớn hơn rất nhiều nên công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn hơn.
Báo cáo tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – cho biết, nhiều nơi sau khi sáp nhập, thủ tục hành chính tăng gấp đôi nhưng chỉ được giữ lại 2/3 cán bộ, phụ cấp vẫn như cũ, khiến các địa phương lúng túng trong sắp xếp công việc. Sau sắp xếp, ĐVHC mới có quy mô rộng hơn, nhiều thành phần dân cư hơn nên nguy cơ tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội. Công tác nắm bắt địa bàn, đối tượng gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội phức tạp hơn gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đồng bộ, khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong thời gian đầu. Việc giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định…
Sở Nội vụ đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có việc thành lập các tổ công tác để rà soát, tuyên truyền, vận động, nắm bắt dư luận nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư hỗ trợ trên các lĩnh vực đối với các ĐVHC mới được hình thành sau sắp xếp; cho phép điều chỉnh, thành lập mới đối với các ĐVHC cấp xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm và quy mô dân số đông.
Đại diện Sở GD-ĐT TP cũng cho biết, TP.Thủ Đức sau khi thành lập, số HS tăng mạnh tuy nhiên số lượng nhân sự vẫn như cũ nên khối lượng công việc rất nhiều.
TP.Thủ Đức có 394 cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, đến quý III-2021, có 3 cơ sở giáo dục mới được thành lập đưa vào hoạt động, dự kiến quý III-2022 sẽ có thêm 7 công trình xây dựng trường đưa vào hoạt động (trong đó có 4 trường mới, 3 trường xây dựng lại).
Năm 2021, Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức được giao 47 nhân sự, lộ trình đến 2022 sẽ tinh giản biến chế 11 công chức đang công tác tại đây. Các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc được giao 9.049 người, hiện có 149 đơn vị sự nghiệp đang có nhu cầu tuyển 1.328 người. Hiện TP.Thủ Đức có 403 cán bộ quản lý, so với nhu cầu công việc hiện nay thì đang thiếu nhiều. Do vậy, ngành GD Thủ Đức đề xuất bổ sung 42 cán bộ quản lý tại các trường mầm non, tiểu học, THCS.
Đeo bám quyết liệt việc xin cơ chế
Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM – cho rằng, thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn nữa. TP.Thủ Đức với hơn 1 triệu dân, 34 phường nhưng chỉ có 3 phó chủ tịch. Theo lộ trình phải giảm dần biên chế.
“Với quy mô dân số lớn, nhân sự ít thì không cách nào làm xuể công việc”, ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, các đơn vị cần tiếp tục rà soát những nội dung chưa phù hợp, xem lại những nội dung TP đã xin cơ chế Trung ương, tập hợp đầy đủ nội dung mới phát sinh để có cơ sở xin cơ chế. Việc xin cơ chế phải có sự đeo bám quyết liệt.
Sau sát nhập, số học sinh trên địa bàn TP.Thủ Đức tăng đáng kể nhưng số lượng giáo viên thì không tăng. Ảnh: Y.Hoa
Cùng với đó, trong quá trình sắp xếp nhân sự phải quan tâm đến tâm tư tình cảm cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chính sách phù hợp. Đây là cơ hội để rà soát, sắp xếp đảm bảo đúng vị trí đúng chuyên môn. TP đang xin cơ chế Trung ương tăng biên chế, định biên đối với một số cơ quan chức năng, đặc biệt là TP.Thủ Đức để đảm bảo công việc đạt hiệu quả. Trong quá trình Trung ương chưa đồng ý thì thực hiện theo quy định. Có những cán bộ buộc phải làm tư tưởng cho nghỉ việc, nhưng nếu Trung ương cho mở rộng, tăng biên chế thì các sở, ngành có thể đón nhận những cán bộ này nếu họ vẫn muốn cống hiến.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, TP.HCM đã sắp xếp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức. Sau khi sắp xếp, TP có 16 quận, 5 huyện và 1 TP. Bên cạnh đó, TP đã sắp xếp 10 phường thuộc diện bắt buộc và 9 phường liền kề có liên quận, qua đó giảm 10 phường. Hiện TP có 312 phường, xã, thị trấn. Tổng số cán bộ, công chức tại TP.Thủ Đức đã bố trí, sắp xếp là 823 người và 215 viên chức. Số cán bộ, công chức cấp xã đã sắp xếp là 195 người và 114 người hoạt động không chuyên trách. 20 cán bộ, công chức cấp huyện, xã nghỉ việc hưởng chế độ và 78 người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc. TP có 309 cán bộ, công chức cấp huyện, 81 viên chức, 102 cán bộ, công chức cấp xã và 133 người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp. Tính đến tháng 6-2021, ngân sách TP tiết kiệm được hơn 22 tỷ đồng nhờ sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp gần 10 tỷ đồng và giảm chi hoạt động là hơn 12 tỷ đồng. |
Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, ông Bình cho rằng tiếng nói của đoàn rất quan trọng. Trong báo cáo giám sát, đoàn cần chứng minh, kiến nghị để làm sao có những cơ chế đặc thù tốt nhất cho TP.HCM nói chung, TP.Thủ Đức nói riêng. Có những việc rất nhỏ nhưng thể hiện rất lớn bộ mặt, văn hóa, văn minh của TP. Cụ thể như việc đổi tên các đơn vị hành chính tại TP.Thủ Đức dẫn đến thay đổi giấy tờ thủ tục, bảng tên, bảng hiệu; tuy là việc nhỏ nhưng ai sẽ làm trong bối cảnh chúng ta đang tập trung những đầu việc lớn…
Phú Cát
Bình luận (0)