Đề án phát triển trường chuyên với kinh phí lên đến hơn 2.300 tỉ đồng được Bộ GD-ĐT giới thiệu vào đầu tháng 11-2010. Sau một tháng triển khai, nhiều nhà giáo dục đã lên tiếng về những bất cập.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết mục tiêu của đề án là mỗi tỉnh, TP sẽ có ít nhất một trường THPT chuyên, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh phổ thông của từng tỉnh, TP.
Đến năm 2015, có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành.
Có nên đào tạo giáo viên ở nước ngoài?
Cũng theo đề án này, sắp tới, 15 trường chuyên trọng điểm của quốc gia sẽ được đầu tư ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, hơn 200 giáo viên sẽ được đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài, 730 giáo viên khác cũng đi đào tạo ở nước ngoài để có thể về dạy các môn toán, lý, hóa, sinh, tin học bằng tiếng Anh. Bộ cũng sẽ đào tạo thạc sĩ trong nước cho 500 giáo viên và bồi dưỡng, đào tạo tiếng Anh, tin học cho 1.560 cán bộ quản lý. Kinh phí để phát triển đội ngũ giáo viên này dự kiến khoảng 624 tỉ đồng.
Học sinh Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam
Trước những con số khổng lồ này, một chuyên gia giáo dục cho rằng hệ thống giáo viên trường chuyên hiện nay không chỉ thiếu mà còn yếu, việc đầu tư cho các giáo viên là rất cần thiết nhưng trong điều kiện VN hiện nay, có nên bỏ ra một khoản kinh phí lớn như vậy để đào tạo giáo viên ở nước ngoài?
PGS Văn Như Cương cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng giáo viên dạy chuyên giỏi thì thiếu trầm trọng, đội ngũ kế cận cũng rất khan hiếm, việc đưa giáo viên đi tập huấn nước ngoài mới chỉ là phần ngọn trong khi cái gốc thì lại không được quan tâm.
Quên trường chuyên thành tích cao?
Trước mục tiêu có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế, một giáo viên trường THPT chuyên – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bức xúc rằng dựa trên căn cứ gì để xác định trường nào sẽ lọt vào 15 trường chuyên trọng điểm?
Nên đầu tư vào “máy cái”
PGS Văn Như Cương khẳng định muốn có được những giáo viên giỏi, cần phải tập trung đầu tư cho các trường, khoa sư phạm, nơi đào tạo các thầy cô giáo từ bậc ĐH. Đồng tình với quan điểm này, PGS Nguyễn Vũ Lương nhấn mạnh việc đầu tư cho giảng viên ở các trường ĐH sư phạm là rất đúng vì đó là cái “máy cái”. “Nếu xây dựng trường chuyên đạt chuẩn quốc tế mà không có giáo viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng bằng không”- ông Lương khẳng định.
|
Thực tế có trường chuyên đã đào tạo rất nhiều học sinh giỏi, năm nào cũng đoạt giải cao trong các kỳ thi olympic quốc tế nhưng thậm chí là nằm trong danh sách 63 trường chuyên được đầu tư trong đề án thì chắc chắn là không thể nằm trong top 15 trường trọng điểm. Nhiều giáo viên các trường chuyên thuộc các trường ĐH cho biết họ bất ngờ và sau đó là rất buồn vì điều này.
PGS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên – ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết không chỉ trường chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên mà khối chuyên của nhiều trường ĐH khác bao năm qua đã giành nhiều thành tích.
Rất nhiều học sinh của các trường đã giành các giải quốc gia, olympic quốc tế, trở thành các nhà khoa học tên tuổi cả trong và ngoài nước nhưng lại không được chọn để đầu tư.
Hiện nay, học sinh trường chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên vẫn phải học trong những phòng học chật chội, xuống cấp tồi tệ nhưng vì truyền thống mà cả thầy và trò cùng phải cố để vượt qua.
Bài và ảnh: Yến Anh / NLĐ
Bình luận (0)