Hiện cả nước có 80 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập (NCL) được thành lập và đang hoạt động, với 14% tổng số sinh viên cả nước nhưng vẫn chịu nhiều điều tiếng về chất lượng đào tạo.
Muốn phát triển các trường ĐH, CĐ NCL để đến năm 2020 đào tạo được 40% tổng số sinh viên theo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2020, nhiều nhà quản lý cho rằng: Nhất thiết cần sự đầu tư công bằng giữa công và tư.
Khát… đất sạch
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ NCL thì: Tính đến nay, đã có 80 trường ĐH, CĐ NCL được thành lập và đang hoạt động, đào tạo trên 14% sinh viên cả nước. Có một số trường đầu tư rất lớn và hiện đại như ĐH quốc tế Miền Đông ở Bình Dương, ĐH Tân Tạo ở Long An, ĐH FPT Hà Nội… Phần lớn các trường có cơ sở vật chất khang trang, phương tiện dạy học khá tốt. Bên cạnh đó, cũng có một số trường còn khó khăn như phải thuê mướn địa điểm, diện tích chật hẹp, đội ngũ thầy giáo cơ hữu còn mỏng, tuyển sinh đầu vào còn hạn chế về chất lượng. Nói tổng quát, một số các trường ĐH, CĐ NCL chưa tạo được ấn tượng tốt bằng các trường công lập lâu năm.
Vì vậy ông Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng: Bộ GD&ĐT phải tạo điều kiện, xem xét các trường khó khăn ở đâu thì tạo điều kiện, tìm giải pháp nâng đỡ các trường có thể phát triển được, chứ không phải cứ thành lập rồi không đủ điều kiện thì đình chỉ. Ví dụ: Bộ đưa ra tiêu chí các trường ĐH phải có bao nhiêu mét vuông đất. Vấn đề đất có phải là các trường không lo đâu mà là không lo được. Bộ phải đề nghị, can thiệp với Nhà nước thực hiện Nghị quyết 69 là cung cấp đất cho các trường. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói là phải cung cấp đất sạch cho các trường. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lên tiếng yêu cầu, đề nghị với Nhà nước phải can thiệp, hỗ trợ để các trường có thể có đất chứ không phải nói trường không có đất, không đủ tiêu chuẩn thì giải thể trường…
"Ở Đài Loan các trường ngoài công lập được nhà nước hỗ trợ, thậm chí xây trường hoặc là cấp đất. Hàng năm, các trường được hỗ trợ kinh phí, trong khi đó ở Việt Nam các trường ngoài công lập phải tự lo hoàn toàn nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định"- ông Nhĩ nói.
Khuyến khích trường phi lợi nhuận?
Khái niệm lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong giáo dục ĐH vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Theo GS, TS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng thì "Phải hiểu đúng bản chất của giáo dục là phúc lợi xã hội, phúc lợi cộng đồng theo Nghị quyết Trung ương khóa 8 về xã hội hóa giáo dục". Có thời điểm xã hội nhìn nhận đầu tư cho giáo dục là đầu tư siêu lợi nhuận. Chính quan điểm chỉ vì lợi nhuận, chỉ vì quyền lợi của những người góp vốn đã gây nên sự đổ vỡ, bất cập. Vì vậy, ông cho rằng cần khuyến khích các trường ngoài công lập phi lợi nhuận.
Trên thực tế, mùa tuyển sinh năm 2012, một số trường ĐH NCL đã chấp nhận "lỗ" bằng cách giảm học phí, hoặc giữ nguyên học phí để thu hút người học như: ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam). Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (Hà Nội)… Như vậy lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu của giáo dục ĐH NCL.
Vấn đề phân định lợi nhuận và phi lợi nhuận đối với giáo dục ĐH không chỉ ở riêng nước ta. Theo bà Judy Wong – Giám đốc bộ phận quan hệ kinh doanh và Marketing Tập đoàn giáo dục SIM (của Singarpore): "Năm 2009, Luật giáo dục tư nhân ra đời đã tạo những điều chỉnh đối với hệ thống trường tư nước này: Từ 1200 cơ sở, đến nay Singapore chỉ còn 349 Học viện giáo dục tư nhân. Trong đó bản thân SIM là trường "phi lợi nhuận" nhưng chúng tôi xác định lợi nhuận cũng rất quan trọng để đảm bảo cho việc xây dựng trường. Những nguồn lợi nhuận ấy nhờ huy động từ nhiều nguồn lực chứ không phải từ tiền của người học".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Khi Luật GDĐH được thông qua sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản pháp quy dưới luật điều chỉnh hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống trường NCL phát triển. Trong đó, có sự phân định rõ ràng vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận để từ đó có cơ chế hỗ trợ khác nhau. Khi xác định được thế nào là trường không vì lợi nhuận thì có cơ chế khác, vì lợi nhuận sẽ có cơ chế khác.
Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế khác biệt giữa trường vì lợi nhuận và phi lợi nhuận sẽ đảm bảo cho các trường ngoài công lập phát triển đúng hướng và công bằng.
Thủy FanTheo PLXH
Bình luận (0)