Những chặng đường đã qua
Năm 1959 Trường Đại học Vinh được thành lập với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có quyết định đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có công văn đưa Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia.
Là một trong những trường đại học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, trường vinh dự được đóng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng.
Từ Trường Đại học Sư phạm Vinh đến Trường Đại học Vinh hôm nay là thành quả của sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, sáng tạo, tự chủ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên và học viên của nhà trường. Những thành quả đó khẳng định uy tín và vị thế của Trường Đại học Vinh trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên thế giới.
Trong 63 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo trên 85.000 cử nhân sư phạm, cử nhân khoa học, kỹ sư; 8.500 thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên của trường đã trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, công nghệ, kinh tế lớn trong nước và quốc tế.
Với nhiều đóng góp xuất sắc cho nền giáo dục nước nhà, nhà trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Tăng tốc phát triển Trường Đại học Vinh thành đại học
Bước vào thời kỳ hội nhập, Trường Đại học Vinh đang khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển trường thành đại học. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “Phát triển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh, là trụ cột của các cơ sở giáo dục đại học khu vực Bắc Trung bộ, hướng tới xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á”.
Nhà trường đang đổi mới căn bản công tác tổ chức, quản trị và quản lý nhà trường; đẩy mạnh tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và truyền thông trong các hoạt động.
Hiện tại, trường đào tạo 57 ngành đại học, trong đó có 5 ngành đại học chất lượng cao và tài năng, 38 chuyên ngành thạc sĩ, 17 chuyên ngành tiến sĩ. Trường THPT chuyên trực thuộc Trường Đại học Vinh có 7 môn chuyên và hệ chất lượng cao. Trường Thực hành Sư phạm có bậc học mầm non và 2 cấp học: tiểu học, trung học cơ sở được kiểm định đạt cấp độ 3, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Từ năm học 2022-2023, Trường Thực hành Sư phạm được nâng cấp xây dựng thành trường tiên tiến.
Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, hướng tới tự chủ đại học, nhà trường đã xây dựng và phát triển Chương trình đào tạo tiếp cận CDIO cho tất cả các ngành đào tạo đại học và sau đại học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, dạy học theo dự án; phối hợp để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình đào tạo; đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, phát triển hệ thống hỗ trợ dạy học E-learning, các hình thức dạy học trực tuyến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng với hoạt động đào tạo, nhà trường luôn quan tâm hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Nhà trường có quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với hàng chục cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức khoa học quốc tế. Hoạt động công bố quốc tế của nhà trường được đẩy mạnh, theo số liệu thống kê của Web of Science, năm 2021, công bố quốc tế thuộc danh mục Web of Sciences của Trường Đại học Vinh đạt mốc hơn 200 bài, cao hơn các năm 2019, 2020.
Công tác đảm bảo chất lượng luôn được nhà trường coi trọng, năm 2017, nhà trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn quốc gia. Đến nay, trường đã có 18 ngành đào tạo đại học được kiểm định và đạt chuẩn, trong đó có 2 ngành được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế AUN-QA, 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn 4-5 sao theo UPM.
Hằng năm, Trường Đại học Vinh đều trong top 20 các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức CSIC. Trường đã đạt chuẩn 4 sao định hướng nghiên cứu theo Hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học (UPM); xếp thứ 16 trong 22 trường đại học của Việt Nam theo bảng xếp hạng SCImago.
Để tiến tới chuyển trường thành đại học, năm 2021, trường đã thành lập Trường Sư phạm, Trường Kinh tế, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo trực tuyến; xây dựng Đề án chuyển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh và Đề án xây dựng Trường Đại học Vinh thành Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung bộ.
Mục tiêu của việc chuyển trường thành đại học là: Góp phần thực hiện thành công đường lối đổi mới trong giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước; định hướng và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ; thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học; phát huy những thành tựu và lợi thế của Trường Đại học Vinh hiện nay, phù hợp với xu thế mô hình đại học phổ biến trên thế giới, đồng thời khắc phục được những hạn chế, rào cản để một cơ sở giáo dục đại học phát triển với 3 giai đoạn:
Giai đoạn 2021-2023: Trường Đại học Vinh chuyển thành Đại học Vinh trên cơ sở kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự hiện nay.
Giai đoạn 2023-2025: Phát triển Đại học Vinh thành đại học số.
Giai đoạn 2025-2030: Phát triển Đại học Vinh thành đại học thông minh, từng bước liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành tổ hợp đại học có đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn của giáo dục đại học trong khu vực và cả nước.
Đồng thời, xây dựng trường là Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Thúy An
Bình luận (0)