Tòa soạnThư đi – tin lại

Phát triển trường lớp bằng vốn kích cầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Theo Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm 2000 đến nay, TP đã hỗ trợ lãi vay cho 59 dự án thuộc lĩnh vực GD-ĐT với tổng giá trị cho vay hơn 844 tỷ đồng trong chương trình kích cầu thông qua nguồn vốn của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Thuận lợi là vậy nhưng cũng có không ít khó khăn mà lãnh đạo nhiều trường gặp phải.
Bà Phan Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm phản ánh: Đầu tư cho giáo dục, nhà trường đã vượt ngại, vượt khó để nhằm xây dựng trường đạt chuẩn, khẳng định “thương hiệu” với phụ huynh HS. Năm 2001, trường cần khoảng 11 tỷ để mở rộng, nhằm đáp ứng chỗ học cho HS nhưng hơn hai năm vẫn không xong, hồ sơ được chuyền tay hết từ sở này “chạy” sang sở khác… Rồi được “đắp chiếu” với rất nhiều lý do, dù bản thân trường đã hoàn chỉnh thủ tục theo luật và hướng dẫn của các sở, ban ngành TP. “Nói thực, bản thân tôi và trường rất nản, đã “đâm lao phải theo lao” tiếp tục chờ đợi và hi vọng. Nhưng hi vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, cuối cùng trường phải chuyển qua hình thức vay vốn tự do, dù tốn kém hơn một chút nhưng nhanh gọn hơn nhiều” – bà Vĩnh tâm tư.
Giải đáp thắc mắc trên, đại diện HFIC chia sẻ: Gặp những khó khăn này, nguyên nhân không phải do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp mà một phần lớn các đơn vị hoạt động GD-ĐT trên địa bàn TP chưa cập nhật đầy đủ các thông tin, chủ trương, chính sách về xã hội hóa, cũng như các chương trình hỗ trợ khác cho GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đều có cùng nhận định: Trong quá trình tiếp cận nguồn vốn kích cầu đầu tư, các dự án thường gặp nhiều khó khăn do vướng mắc các thủ tục hành chính, tài sản thế chấp, điều kiện bắt buộc của nguồn vốn đối ứng, nguồn hoàn trả vốn vay chủ yếu chỉ từ nguồn thu HS, tỷ lệ vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vốn để thực hiện dự án đầu tư, xây dựng các công trình trường học, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến xây dựng và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Chia sẻ những khó khăn mà các trường gặp phải, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng: TP.HCM là đơn vị duy nhất trong cả nước thực hiện chương trình kích cầu. Đây là giải pháp nhằm kéo giảm sĩ số HS theo chuẩn quốc tế (30 HS/lớp), tăng nhanh số trường học 2 buổi/ngày trước tình hình tăng dân số ngày càng cao hiện nay và cũng sẽ giảm được nguồn ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn chung của vấn đề này là nhà đầu tư hầu hết là những người làm chuyên môn văn hóa, giáo dục nên không có kinh nghiệm và kiến thức về các vấn đề bất động sản. Hơn nữa, một dự án có thể vay vốn thực hiện được hay không còn liên quan nhiều khâu, thuộc thẩm quyền nhiều sở ngành khác nhau như đất đai, kế hoạch, tài chính, vốn thu hồi… Điều này khiến không ít chủ trường bỏ cuộc hoặc tìm các nguồn vốn bên ngoài tốn kém hơn. Sở GD-ĐT và HFIC ghi nhận những băn khoăn, vướng mắc mà các đơn vị gặp phải. Sở GD-ĐT và HFIC cùng với các ban ngành liên quan sẽ đề đạt, kiến nghị lên UBND TP để ban hành các chính sách tháo gỡ kịp thời, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mạng lưới trường lớp bằng nguồn vốn kích cầu này. Bên cạnh đó, bản thân lãnh đạo các trường phải chủ động tìm đến các bộ phận tư vấn của HFIC, thông qua đó, các trường sẽ nắm bắt kỹ hơn mọi thủ tục pháp lý cũng như những hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhất nhằm hoàn chỉnh hồ sơ hoặc bổ túc thêm hồ sơ. Chắc chắn sẽ vay được nguồn vốn ưu đãi này.
Lê Quang Huy
Về vay vốn kích cầu, quyết định số 33/2011/QĐ-UBND của UBND TP.HCM chỉ rõ: Đối tượng được vay vốn là những trường MN, TH, THCS, THPT, ĐH, CĐ, CĐN, TCCN và TCN… Thời gian vay không quá 7 năm; mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất  100% và vay không quá 100 tỷ đồng/một dự án (đối với những dự án trên 100 tỷ đồng và thời gian hỗ trợ lãi vay trên 7 năm phải được UBND TP xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể). 
 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)