Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Phát triển trường nghề: Cần cái bắt tay của ba bên

Tạp Chí Giáo Dục

Tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều sự lựa chọn cho tương lai, trong đó học nghề được xem là có nhiều cơ hội về việc làm với thu nhập khá ổn định sau khi tốt nghiệp. Nhưng có một thực tế là các trường nghề lại rất thiếu học sinh, dù nhiều chính sách ưu đãi đã được ban hành và trường nghề đã có nhiều biện pháp tuyển sinh mới. 

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Việt – Hung (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Thái Hiền
Thống kê cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có tới 80% học sinh tốt nghiệp THPT chọn con đường lập nghiệp bằng việc thi vào các trường đại học dù biết khả năng thi đỗ, khả năng xin việc sau khi ra trường không mấy khả quan; đồng thời có hàng chục nghìn học sinh bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do, một trong số đó là không được định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước có gần 3.000 cơ sở đào tạo nghề gồm trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các hội nghề nghiệp, đoàn thể, làng nghề… nhưng số lượng học sinh đăng ký học nghề không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển sinh. Tâm lý trọng đại học, lơ là trường nghề đã tạo ra sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực xã hội, cho thấy công tác hướng nghiệp chưa tốt.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia về lao động việc làm cho rằng, với tình hình phát triển nhân lực hiện nay, Việt Nam có thể áp dụng mô hình đào tạo kép của Cộng hòa Liên bang Đức. Theo đó, học sinh được định hướng nghề nghiệp từ khi học ở bậc trung học cơ sở. Những học sinh đăng ký học nghề sẽ được các trường nghề đào tạo lý thuyết cơ bản tại trường, kết thúc phần học lý thuyết, học sinh được đưa vào đào tạo thực hành tại các trường nghề của các doanh nghiệp. Với cách đào tạo này, 80% học sinh học nghề ra trường có tay nghề rất vững và có thể ở lại làm việc ngay tại doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định. Đây là cách đào tạo nghề hiệu quả, không gây lãng phí cho xã hội.
Nhìn lại phương pháp đào tạo nghề ở Việt Nam, có thể thấy nhiều trường nghề, cơ sở dạy nghề, nhất là các trường nghề tư nhân đang chú trọng tới lợi nhuận trong đào tạo hơn là hiệu quả xã hội và hiệu quả đào tạo nghề, tạo tâm lý không tốt cho học sinh trong sự lựa chọn nghề và trường nghề. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức hội nghị về lựa chọn nghề trọng điểm, trường có nghề trọng điểm và đầu tư giai đoạn 2011-2020 Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Trung bộ. Nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh sách các ngành nghề và trường đào tạo được chọn chuẩn để học sinh dễ lựa chọn, đồng thời, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có cơ hội liên kết đào tạo và tuyển dụng trực tiếp. Hiện còn nhiều ngành nghề mới, ngành nghề còn thiếu lao động tay nghề cao nhưng chưa được đào tạo, gây bất lợi về nguồn cung lao động cho doanh nghiệp, buộc họ phải thuê lao động nước ngoài. Đây chính là điều bất lợi cho doanh nghiệp và thiệt thòi cho lao động Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chủ trương đầu tư các trường trọng điểm là đầu tư tập trung, đồng bộ theo nghề trọng điểm chứ không theo trường như trước đây. Các trường dạy nghề công lập (của TƯ và địa phương) có nghề trọng điểm sẽ được xem xét theo các cấp độ để đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 40 trường dạy nghề chất lượng cao, trong đó 12 trường đạt đẳng cấp quốc tế (đến năm 2015 là 5 trường), 28 trường đạt đẳng cấp khu vực Asean (đến năm 2015 là 14 trường). Các trường còn lại có ít nhất 1 nghề trọng điểm cấp quốc gia. Đây được xác định là một trong ba khâu đột phá để bảo đảm đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục Dạy nghề đã mời rất nhiều doanh nghiệp tham gia ý kiến về việc phát triển trường nghề, với hy vọng doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia đào tạo, đánh giá thực tế quá trình đào tạo nhằm kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động. Như vậy, các trường dạy nghề có thể chuyển từ đào tạo cái mà trường có sang đào tạo theo nhu cầu.
Bức tranh tổng thể về dạy nghề hiện đại đang dần được định hình. Tuy nhiên, để đó không phải là viễn cảnh, thì cần có sự bắt tay thực sự của cơ quan chủ quản – Tổng cục Dạy nghề, trường nghề và doanh nghiệp. 

Dự thảo nêu rõ, cả nước có 6 vùng kinh tế trọng điểm với 164 nghề trọng điểm được chọn. Ở mỗi vùng kinh tế trọng điểm lại có danh mục nghề trọng điểm khác nhau. Chẳng hạn vùng trung du miền núi phía Bắc có 51 nghề trọng điểm, trong đó có 1 nghề trọng điểm cấp quốc tế là công nghệ ô tô, 6 nghề trọng điểm cấp khu vực (lấy Malaysia làm chuẩn), còn lại là nghề trọng điểm cấp quốc gia. Các vùng kinh tế trọng điểm còn lại như vùng Đồng bằng sông Hồng (có 88 nghề trọng điểm), vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải có 69 nghề trọng điểm, vùng Tây Nguyên có 30 nghề trọng điểm, Đông Nam bộ có 58 nghề trọng điểm, ĐBSCL có 37 nghề trọng điểm.
Theo Kim Vũ
(HNM)

Bình luận (0)