Toàn cảnh cuộc tọa đàm |
“Những giải pháp tổ chức triển khai nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là chủ đề cuộc tọa đàm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 30-1 tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM vừa qua.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Nghị quyết 33-NQ/TW đã thể hiện tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng trong hội nhập và phát triển. Vấn đề tiếp theo là phải thể chế hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả”. Từ tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết TW 5 khóa VIII cho thấy khu vực phía Nam có nhịp độ phát triển kinh tế năng động, đi đầu cả nước. Bên cạnh đó là sự thay đổi về văn hóa, con người, có nhiều bài học thực tế hết sức sinh động để chuyển hóa nội dung nghị quyết vào thực tế cuộc sống, với vai trò quan trọng từ nhận thức đến hành động của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý văn hóa. Do đó, Ban tổ chức đã quyết định lựa chọn TP.HCM để tổ chức cuộc tọa đàm này”.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện và đưa nghị quyết 33 đi vào cuộc sống, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, lối sống; về văn hóa chính trị – kinh tế, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển công nghiệp văn hóa, thực hiện hội nhập quốc tế. Tọa đàm đã tập trung vào các vấn đề mới nảy sinh, nổi cộm và phức tạp về lý luận và thực tiễn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam với 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn đã nêu trong nghị quyết: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường nguồn lực cho văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật cho rằng vấn đề nguồn lực văn hóa cần phải được giải quyết cấp bách: “Hiện nay, vấn đề giải quyết con người, chọn người cho ngành văn hóa hết sức quan trọng. Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay cách dùng con người chưa đúng, nhân sự nào cũng đưa về làm văn hóa được. Ai làm chưa tốt thì được đưa về làm văn hóa”. Tán thành với ý kiến đó, PGS.TS Tạ Văn Thành, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nói đến văn hóa, quan trọng nhất là gắn với con người. Cần xây dựng văn hóa con người, văn hóa sinh thái, văn hóa pháp quyền, văn hóa lối sống”.
Nhiều ý kiến đề cập đến cách tuyên truyền cần phải được thực hiện đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ tiếp cận. Ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: “Nhiều văn bản cần phải được thể hiện với hình thức ngôn từ đơn giản, tác động tuyên truyền theo cách bình dân để người dân dễ hiểu”. Bên cạnh đó, yếu tố đặc thù vùng miền thể hiện cụ thể trong việc triển khai nghị quyết 33 ở khu vực phía Nam cũng được nhiều đại biểu chú trọng. ThS. Trịnh Đăng Khoa, Trưởng khoa Quản lý văn hóa, ĐH Văn hóa cho biết: “Nghị quyết số 33 đã khắc phục những hạn chế của các nghị quyết trước đây. Nghị quyết này sẽ được đưa vào các học phần để giảng dạy cho sinh viên ở Trường ĐH Văn hóa”.
Ông Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia đúc kết: “Những ý kiến đóng góp tâm huyết ở tọa đàm đã góp phần tiếp tục nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về văn hóa, con người Việt Nam, bước đầu đề ra những hành động từ góc độ khoa học”.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)